Trước thực tế dịch Covid-19 đã được cơ bản kiểm soát tại địa bàn; tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng dịch rất cao; không còn người tử vong do Covid-19 và các hoạt động kinh tế, xã hội đã trở lại bình thường, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch mới, thích ứng với dịch Covid-19.

1
Người tham gia thi đấu thể thao không phải đeo khẩu trang.

Ban hành bộ tiêu chí mới

Ngày 22-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Bộ tiêu chí bao gồm 3 tiêu chí chính: Tiêu chí an toàn chung với 6 nội dung bắt buộc, áp dụng với mọi lĩnh vực. Tiêu chí đặc thù với 9 nội dung, áp dụng tùy từng lĩnh vực, đơn vị. Tiêu chí an toàn trong ăn uống với 1 nội dung.

6 nội dung bắt buộc, áp dụng chung gồm: Đeo khẩu trang mọi nơi, mọi lúc (trừ một số trường hợp như trẻ trong lớp mẫu giáo, người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19); thông khí nơi học tập, làm việc, sinh hoạt; tiêm vắc xin phòng Covid-19 phủ khắp các độ tuổi theo quy định; bố trí nước khử khuẩn mọi nơi, mọi lúc, vệ sinh sạch sẽ môi trường; sử dụng mã QR kiểm soát người tại các điểm đến; các địa phương, đơn vị… đều có phương án phòng, chống dịch Covid-19 của mình.

2
Trẻ mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh không phải đeo khẩu trang khi đi học.

Trong 9 tiêu chí đặc thù, đáng chú ý là phòng ký túc xá, khu nội trú phải đảm bảo diện tích tối thiểu 4m2/người. Các đơn vị kinh doanh, sản xuất… đều phải có bộ phận y tế chuyên trách theo dõi, chăm sóc sức khỏe người lao động. Tại cơ sở giáo dục mầm non, diện tích lớp học tối thiểu 1,5m2/trẻ, nhưng phòng học không nhỏ hơn 24m2 với nhóm trẻ và 36m2 với lớp mẫu giáo. Ở cấp tiểu học, diện tích trung bình là 1,25m2/học sinh. Cấp trung học, diện tích lớp học tối thiểu 1,5m2/học sinh.

Tiêu chí đặc thù duy nhất áp dụng cho cơ sở ăn uống là yêu cầu chủ cơ sở không được phục vụ quá sức chứa của địa điểm; trang bị vật dụng dùng riêng từng người khi ăn.

3
Hàng ăn uống không được phục vụ quá công suất.

Bộ tiêu chí cũng quy định cách thức tính mức độ an toàn. Nếu chỉ số này trên 80%, cơ sở được hoạt động. Từ 70% đến dưới 80%, cơ sở vẫn hoạt động, nhưng phải khắc phục những tồn tại trong vòng 48 giờ kể từ khi được cơ quan chức năng khuyến cáo, Dưới 70%, cơ sở phải ngưng hoạt động và phải khắc phục nhanh những tồn tại. UBND các địa phương có trách nhiệm đánh giá tỷ lệ phần trăm mức độ an toàn này, từ đó đưa ra các kết luận tương ứng.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố. Qua đó, giúp các đơn vị, cơ quan phát hiện thiếu sót để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

4
Y tế cơ sở thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, chăm sóc sức khỏe người dân tại cơ sở, kịp thời phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Bố trí lại 3 tầng điều trị

Trong khi đó, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai mô hình mới trong tổ chức các cơ sở điều trị, phục vụ việc phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Mục tiêu là sẵn sàng thực hiện tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, chăm sóc, điều trị đối với người dân đã từng mắc Covid-19. Xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý sau mắc Covid-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, cơ sở y tế được chia thành 3 tầng điều trị. Tầng 1 (Trung tâm y tế quận huyện, thành phố Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ. Tầng 2 (bệnh viện đa khoa quận, huyện) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình. Tầng 3 ( bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.

Dự kiến trong quý II-2022, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19”; thực hiện các tài liệu truyền thông về các bệnh lý hậu Covid-19 để người dân có thể tiếp cận. Đến quý IV-2022 sẽ tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.

5
UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Y tế cho tạm ngưng khai báo y tế với người nhập cảnh.

Cũng trong ngày 22-4, UBND thành phố Hồ Chí Minh có công văn khẩn, kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm ngưng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam, chỉ yêu cầu người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe, sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách du lịch đến hoặc về Việt Nam, hạn chế tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".