Trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư chịu nhiều áp lực, tiêu dùng nội địa đang trở thành động lực ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% - mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay - không thể tách rời đóng góp của tiêu dùng cuối cùng, với mức tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024 và đóng góp 84,2% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế.

Theo đại diện Cục Thống kê, lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hợp lý và các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng đều góp phần củng cố niềm tin và tạo dư địa chi tiêu trong dân cư. Các ngành gắn liền với tiêu dùng như bán buôn bán lẻ, lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi đều tăng trưởng khả quan, lần lượt đạt mức tăng 7,03%, 10,46% và 9,82%. Du lịch nội địa cũng phục hồi mạnh với nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai rộng khắp, trong khi khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực lên chuỗi tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Dịch vụ và Giá thuộc Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực chất vẫn đạt 7,2%. “Dù tốc độ này chưa thể so sánh với mức tăng trưởng hai con số của giai đoạn trước đại dịch COVID-19, nhưng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy yếu, lạm phát toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, đây là kết quả tích cực, khẳng định vai trò trụ đỡ của thị trường nội địa”, bà Oanh nhấn mạnh.

Nhìn sâu hơn, có thể thấy tiêu dùng nội địa đã và đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi từ cả phía cung lẫn phía cầu. Về phía cung, hoạt động sản xuất trong nước được duy trì ổn định, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu với mức giá hợp lý. Công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành dẫn dắt tăng trưởng – tăng 10,1% trong 6 tháng, giúp duy trì chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng với chất lượng tốt hơn và chi phí hợp lý hơn. Trong khi đó, thị trường việc làm và thu nhập của người lao động cũng đang dần phục hồi, tạo nền tảng để cải thiện sức mua. Theo báo cáo của cơ quan thống kê, số lao động làm việc trong doanh nghiệp tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn FDI tăng mạnh nhất. Điều này góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Tuy vậy, việc chuyển đà phục hồi ngắn hạn thành động lực bền vững cho tăng trưởng vẫn là câu hỏi lớn cần được trả lời bằng các giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn.

Trên thực tế, dù cầu nội địa đang hồi phục, song vẫn thiếu bền vững. Một trong những nguyên nhân là tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu trong người tiêu dùng. Thêm vào đó, cấu trúc tiêu dùng vẫn nghiêng nhiều về các hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu, trong khi có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn đối với các mặt hàng không thiết yếu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm 2021-2025 (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm 2021-2025 (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng để tiêu dùng nội địa thật sự trở thành động lực tăng trưởng bền vững, cần đến một hệ giải pháp đồng bộ, mang tính dài hạn. Trước hết, điều kiện tiên quyết là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường lạm phát thấp, lãi suất hợp lý và tâm lý kỳ vọng tích cực của người tiêu dùng. Khi người dân cảm nhận rõ được niềm tin vào triển vọng kinh tế, họ sẽ mạnh dạn hơn trong tiêu dùng, từ đó tạo ra chu kỳ tiêu dùng – sản xuất – tăng trưởng lành mạnh. Mặt khác, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh các chương trình khuyến khích tiêu dùng theo ngành, vùng và đối tượng cụ thể. Cùng với đó, việc tăng lương tối thiểu vùng, hay các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối lao động với việc làm trong các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại… là những yếu tố then chốt giúp gia tăng sức mua từ gốc.

Một hướng đi không kém phần quan trọng là phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, logistics và hệ thống phân phối nội địa. Việc nâng cấp các chợ truyền thống, siêu thị, sàn thương mại điện tử địa phương và kết nối với mạng lưới giao thông, vận tải sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, chi phí thấp hơn. Cần khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng và chăm sóc khách hàng để gia tăng khả năng cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Song song với phát triển thị trường, cũng cần coi trọng yếu tố dữ liệu và nghiên cứu hành vi tiêu dùng. Việc có được các dữ liệu tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có công cụ đo lường, đánh giá, từ đó định hướng sản phẩm, kênh phân phối, nhóm khách hàng tiềm năng, cũng như đưa ra các giải pháp bài bản về phát triển phân khúc, chuỗi cung ứng… gắn kết hiệu quả hơn với sản xuất nội địa.

Từ góc độ quản lý nhà nước, cần hướng tới điều hướng cách tiếp cận tiêu dùng đến phát triển hệ sinh thái tiêu dùng nội địa bền vững thay vì chỉ hỗ trợ, hay có các chương trình khuyến khích tiêu dùng ngắn hạn. Chính sách cần khuyến khích các sản phẩm “made in Vietnam” không chỉ ở khâu sản xuất mà cả về thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ hậu mãi và trải nghiệm người dùng. Điều này sẽ tạo nên vòng tuần hoàn tích cực giữa tiêu dùng và sản xuất trong nước, tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế. Khi nội lực được khai thác bài bản và bền vững, Việt Nam có thể thực sự bước vào quỹ đạo tăng trưởng độc lập, tự chủ và có khả năng thích ứng linh hoạt với mọi biến động của thế giới.

https://thoibaonganhang.vn/tieu-dung-noi-dia-tiep-them-dong-luc-cho-tang-truong-gdp-167297.html

Đỗ Lê / thoibaonganhang.vn