Theo phân tích của tác giả Pierre-Antoine Donnet trên asialyst. com, Tiktok từng rất phổ biến ở phương Tây, nơi có hàng trăm triệu người dùng mỗi tháng. Song, ngày nay, nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội này đang trở thành mục tiêu của các biện pháp ngăn cấm ở Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây.

Các nước này đều cho rằng, đây là hệ thống mạng xã hội nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và là công cụ làm lệch lạc hành vi của giới trẻ.

Tranh cãi tầm vĩ mô

Ngày 8/3, khi được Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hỏi liệu ứng dụng TikTok và Công ty ByteDance có thể thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng hay không, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã trả lời: “Có”. Câu trả lời cũng tương tự cho câu hỏi dành cho Phó Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio. Theo họ, TikTok cung cấp 3 loại “vũ khí” kỹ thuật số chính bao gồm thu thập dữ liệu, nhận dạng thuật toán và giải mã phần mềm. Giám đốc FBI cho biết thêm: “Việc kiểm soát dữ liệu, thực hiện tất cả các loại hoạt động trên Big Data, đồng nghĩa với việc kiểm soát các thuật toán, cho phép tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng. Về bản chất là chiếm quyền kiểm soát phần mềm, sau đó cho phép truy cập vào hàng triệu lượt cài đặt. Đối với tôi, điều đó cho thấy sự nguy hại cho an ninh quốc gia của chúng ta”.

Tiktok - có hay không cuộc chiến thao túng tâm lý? -0
Giám đốc FBI Christopher Wray là người có thái độ cứng rắn đối với Tiktok.

TikTok hiện lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc. Ứng dụng này cho phép người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc có quyền truy cập vào đó, nhưng theo khuôn khổ nghiêm ngặt và hạn chế. TikTok được sử dụng thường xuyên bởi 14,9 triệu người ở Pháp và hơn 180 triệu người ở Mỹ. Lượng người dùng TikTok hằng tháng là trên 1,2 tỷ người.

Theo một đạo luật được phê chuẩn vào đầu tháng 1/2023, Nhà Trắng đã cấm đội ngũ công chức của các cơ quan liên bang tải ứng dụng này về điện thoại. Ủy ban châu Âu (EC), Anh và Canada gần đây cũng đưa ra quyết định tương tự đối với giới công chức của họ. Mới đây, đến lượt Pháp ban hành lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, theo đó cấm 2,5 triệu công chức chính phủ cài đặt và sử dụng tất cả các ứng dụng có tính năng tương tự trên điện thoại dùng cho công việc. Trên trang mạng politico.eu, Quốc hội Pháp kêu gọi các đại biểu và nhóm của họ hạn chế sử dụng TikTok, cũng như các ứng dụng nhắn tin WhatsApp và Signal của Mỹ và ứng dụng nhắn tin Telegram có nguồn gốc từ Nga. Các mạng xã hội Snapchat và Instagram của Mỹ cũng là mục tiêu bị nhắm đến. Thay vào đó, nền tảng Wimi được khuyến nghị sử dụng tại Pháp vì tính an toàn và sử dụng tiếng Pháp.

Theo truyền thông Mỹ, Nhà Trắng gần đây đã đưa ra tối hậu thư: Nếu TikTok vẫn tồn tại, ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ. Ngày 16/3, Trung Quốc đã phủ nhận tất cả cáo buộc như vậy và kêu gọi Mỹ ngừng “các cuộc tấn công không chính đáng” nhằm vào ứng dụng này.

“Giam cầm” trong vũ trụ ảo?

Là công ty công nghệ kỹ thuật số do Trương Nhất Minh thành lập năm 2012 và có trụ sở chính tại Bắc Kinh, ByteDance lần đầu tiên ra mắt ứng dụng Douyin vào tháng 9/2016. Đây là ứng dụng di động để chia sẻ các video ngắn dành cho thị trường Trung Quốc. 1 năm sau đó, ByteDance cho ra mắt TikTok -  phiên bản Douyin dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. 2 ứng dụng này rất giống nhau nhưng chạy trên các máy chủ khác nhau và có nội dung khác nhau, nhằm tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc và tường lửa kỹ thuật số của nước này.

Tiktok - có hay không cuộc chiến thao túng tâm lý? -0
Làn sóng hạn chế Tiktok có xu hướng lan rộng tại cơ quan chính phủ các nước phương Tây.

Cho phép người dùng tạo các video ngắn kèm theo nhạc, từ 3-180 giây, TikTok trở thành ứng dụng được sử dụng hàng đầu ở châu Á. Là ứng dụng chia sẻ clip quy tụ cộng đồng lớn nhất, vào tháng 6/2018, TikTok đã đạt 150 triệu người dùng mỗi ngày, tương ứng với 500 triệu người dùng mỗi tháng. Trong quý I/2018, đây là ứng dụng di động đầu tiên đạt 45,8 triệu lượt tải về.

Ngày 9/11/2017, Byte Dance đã mua lại nền tảng video cạnh tranh của Trung Quốc là Musical.ly với giá gần 1 tỷ USD. Ngày 2/8/2018, công ty đã hợp nhất 2 ứng dụng nhưng vẫn giữ nguyên TikTok. Việc hợp nhất này cũng như các chiến dịch quảng cáo trên YouTube và Snapchat đã bị người dùng nói tiếng Pháp chỉ trích. Tuy nhiên, cộng đồng Pháp ngữ trước đây của Musical.ly đã nhanh chóng thích nghi với nền tảng mới.

Theo một số đánh giá, TikTok còn tiềm ẩn mối nguy hiểm âm thầm hơn: Mặc dù việc sử dụng ứng dụng này ở Trung Quốc được quản lý chặt chẽ, nhưng ở phương Tây và các nước khác thì không hoặc ít nhất là chưa. Người dùng của mạng xã hội này, chủ yếu là những người trẻ tuổi, dành hàng giờ trong thế giới ảo, hệ quả là họ sống trong một “vũ trụ” khác xa so với thực tế đời sống hiện tại.

Theo một phân tích của chuyên gia về các vấn đề xã hội, nền tảng mạng xã hội này đã dẫn dắt giới trẻ đến một thế giới khác, thoát khỏi thực tại đau khổ hiện hữu, một thực tại mà đáng ra họ nên đối mặt để có thể hòa nhập với những thách thức của xã hội. Đắm mình trong vũ trụ ảo này, những người trẻ tuổi sẽ “bị giam giữ” trong một thế giới tưởng tượng mà xa rời thực tế. Thời gian mà người trẻ dành cho màn hình điện thoại càng nhiều, tương ứng với thời gian họ dành để thể hiện năng lực cá nhân trong việc xây dựng xã hội tương lai càng bị giảm đi. Hiểu một cách đơn giản, đó là càng sống ảo thì sẽ càng xa rời thực tế.

Thao túng tâm lý

Ngày 25/3, nhật báo The Guardian của Anh đăng bài phân tích rất chi tiết của Nita Farahany, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến não bộ: Bảo vệ quyền tự do suy nghĩ trong thời đại công nghệ thần kinh” (Nhà xuất bản St. Martin, 2023). Phân tích cho thấy dường như các ứng dụng mạng xã hội đều đang hướng tới sử dụng một loại vũ khí mới nhằm kiểm soát não bộ con người. Và, TikTok nằm trong số đó.

Tiktok - có hay không cuộc chiến thao túng tâm lý? -0
Sự phát triển chóng mặt của Tiktok kèm theo không ít hệ lụy.

Trên cơ sở các tài liệu mật thu thập được, tác giả giải thích rằng với loại vũ khí này, vấn đề không còn là hủy diệt cơ thể của kẻ thù mà là làm tê liệt kẻ thù bằng cách kiểm soát tinh thần. Do đó, chiến trường mới này sẽ là bộ não con người. Theo cách này, khái niệm “chiến tranh” có thể đi theo hướng chi phối và ảnh hưởng lên não bộ.

Tháng 11/2020, Francois du Cluzei, Giám đốc nghiên cứu của NATO đã công bố một báo cáo có tựa đề “Chiến tranh nhận thức”, trong đó xác định bộ não con người là mục tiêu mới của một số quốc gia hiện đang tập trung vào quân sự hóa khoa học thần kinh. Nhiều quốc gia phát triển đang đầu tư vào lĩnh vực này, với những thành quả đã được ghi nhận trong phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nathan Beauchamp - Mustafaga, chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), thì đó thực sự là “sự tiến hóa của phương thức tiến hành chiến tranh, rời xa các lĩnh vực tự nhiên và vật chất như mặt đất, biển, không khí và điện tử, để bước vào thế giới tinh thần của con người”. Theo đó, các chiến dịch thông tin sai lệch cũng như các loại vũ khí mới nhắm vào não bộ đang được tiến hành. “Cuộc chiến thao túng não bộ” sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nita Farahany viết: “Nền tảng của TikTok xoay quanh việc tác động lên bộ não. Nó quản lý não bộ để định hình niềm tin và sở thích cá nhân của người dùng, tất cả những điều này sau đó được lưu trữ trong các máy chủ khổng lồ. Thuật toán của TikTok có khả năng định hình dư luận và khai thác dữ liệu cá nhân người dùng, sau đó hình thành sở thích, xu hướng và niềm tin của họ”. Đồng thời, tác giả liệt kê những tổ chức đã phát triển và cải tiến loại vũ khí mới này đang hiện hữu ở một số quốc gia phát triển.

Thực tế cho thấy, ở cấp độ vĩ mô - quốc gia, các nền tảng mạng xã hội thiếu kiểm soát đang bị cho là công cụ trong cuộc chiến thao túng tâm lý, liên quan đến vấn đề an ninh của cả một quốc gia, thì ở cấp độ nhỏ hơn - nội bộ một đất nước, các nền tảng mạng xã hội thiếu kiểm soát cũng đang gây ra những hệ lụy không hề nhỏ. Những vụ xả súng điên loạn, những trào lưu bệnh hoạn, những “thần tượng” người không ra người, ngợm không ra ngợm cũng những cuộc thách đố mang màu sắc cực đoan gây tác động tiêu cực lên một bộ phận giới trẻ chính đều xuất phát từ những ứng dụng kiểu này. Đã đến lúc các nhà quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại về hệ quả và những tác động của các mạng xã hội này.

Cấm một hay cấm tất?

Trả lời phỏng vấn trang mạng asialyst.com, Paul Charron, Giám đốc phụ trách tình báo, dự báo và chiến lược ảnh hưởng của Viện Nghiên cứu chiến lược Trường Quân sự Pháp (IRSEM) và là chuyên gia về Trung Quốc, cho biết với số lượng lớn người đăng ký TikTok, có thể đi đến kết luận rằng nền tảng mạng xã hội này là một công cụ thu thập dữ liệu quy mô lớn. Vì vậy, kết quả là không ai có thể thoát khỏi thực tế là dữ liệu cá nhân của họ có thể bị gom lại và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, hoặc cho các dự án trí tuệ nhân tạo, hoặc cho hoạt động đặc biệt nào khác.

Tiktok - có hay không cuộc chiến thao túng tâm lý? -0
Không ít thử thách, trào lưu điên rồ sản sinh ra từ những nền tảng như Tiktok.

Nhưng, Paul Charron vẫn tỏ ra thận trọng: “Theo thông tin chúng tôi có, đây vẫn là một phần rất nhỏ trong số những dữ liệu mà TikTok được cho là đang thu thập trên khắp thế giới. Thực sự rất khó để biết họ quan tâm đến điều gì. Tôi cho rằng, việc sử dụng TikTok như một phương tiện để lan truyền các câu chuyện và nội dung khác quan trọng hơn là gián điệp vào thời điểm này. Trừ khi họ sử dụng dữ liệu này cho chương trình trí tuệ nhân tạo. Tất nhiên, điều cần thiết là các chính phủ phải tự bảo vệ mình trước việc có thể xảy ra các hoạt động chiếm đoạt dữ liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, sau tất cả các điều đã cân nhắc, tôi không chắc việc cấm hoàn toàn TikTok có phải là giải pháp đúng đắn hay không. Rồi chúng ta sẽ xử lí ra sao đối với Twitter, Facebook, Instagram? Hay chúng ta không cần lo lắng vì chúng là công ty của Mỹ?”

Cũng theo Paul Charron, một vấn đề nữa cần phải chấp nhận là họ (Trung Quốc) cũng sẽ trả đũa bằng cách cấm các phương tiện truyền thông của phương Tây, dù dưới hình thức nào, ngay tại đất nước tỷ dân. Hậu quả của câu chuyện “ăn miếng trả miếng” này sẽ khó dự đoán trước được.

Kết lại, Paul Charron cho rằng, đó là hệ quả của cách thức mà xã hội chúng ta đang vận hành và quyền tự do mà các nền tảng mạng xã hội này mang lại. Ngay ở Trung Quốc, các nền tảng này đã phát triển theo một cách khác, đó là vì có sự kiểm soát. Vì vậy, thay vì đổ lỗi cho TikTok, chúng ta phải thiết lập các biện pháp kiểm soát phù hợp. Hãy giành lại tương lai cho thế hệ trẻ và để các phương tiện truyền thông của chúng ta vận hành theo cách vốn có. Ưu điểm lớn của việc không cấm hoàn toàn là chúng ta sẽ tiếp tục giữ được bản sắc và nhờ đó có thể tiếp tục khẳng định sự khác biệt của từng quốc gia, từng nền văn hóa.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/tiktok-co-hay-khong-cuoc-chien-thao-tung-tam-ly--i690313/

Ngọc Lan / Công an nhân dân