Từ năm 2022 đến nay, nền tảng mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung vi phạm nghiêm trọng như chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan… thay vì chỉ giải trí như trước đây.
- Những Tiktoker, Youtuber câu view bằng mọi giá, bất chấp luân thường đạo lý
- Đằng sau làn sóng “cấm cửa” TikTok
TikTok có nhiều nội dung vi phạm, ảnh hưởng xấu đến người dùng |
Theo ông Lê Quang Tự Do- Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT, Bộ TT-TT), TikTok nổi lên tại Việt Nam từ năm 2019. Thời điểm đó, nội dung của mạng xã hội này chủ yếu là giải trí.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, trên nền tảng này xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền mê tín dị đoan hay có nội dung gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam.
Các nội dung trên TikTok gây nghiện và liên tục tạo ra các xu hướng độc hại. Các nội dung độc hại trên TikTok cũng rất dễ tạo thành trend (xu hướng) ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng.
Đáng chú ý, gần đây trên mạng xã hội này còn xuất hiện nhiều người nổi tiếng, các thần tượng mạng, cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những thần tượng mạng, nhưng TikTok không khuyến khích những nội dung tốt đẹp, sáng tạo, dẫn đến việc nhiều người sử dụng các nội dung độc hại, nhảm nhí, vô văn hóa, đánh vào phần “con” của con người để nhận được nhiều tiền hơn từ người dùng mạng.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt bản quyền phim cũng diễn ra phổ biến trên nền tảng này. Các nội dung về lịch sử văn hóa của Việt Nam bị xuyên tạc, không đúng sự thật, sử dụng hình ảnh khiêu gợi, hở hang, đi kèm nội dung hạ thấp con người Việt Nam để minh họa…
Chưa kể, trên nền tảng này còn xuất hiện hiện tượng hướng nghiệp nhảm nhí, có những người tự nhận mình là thầy giáo, giáo viên đưa ra những lời khuyên lệch lạc như đừng đọc sách, bằng đại học là vô dụng, từ đó tạo ra thông tin sai lệch; Kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái…
Trước thực trạng trên, Bộ TT-TT cho biết, Bộ sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok Việt Nam vào tháng 5 tới.
Cùng với đó, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
“Tất cả những nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam thì bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Những nền tảng nào không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì chắc chắn không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam" - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
https://www.anninhthudo.vn/tiktok-tai-viet-nam-dang-tai-nhieu-noi-dung-vi-pham-post536206.antd