Việc kinh doanh thực phẩm online (trực tuyến) đang ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Thế nhưng, để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh này lại không đơn giản. Trước thực tế đó, cơ quan chức năng đang xây dựng những biện pháp mạnh, nhằm đưa việc kinh doanh thực phẩm online đi vào nền nếp.
- Bảo mật thanh toán online
- Bảo đảm an toàn thực phẩm bánh trung thu
- Hà Nội đình chỉ 66 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Xu hướng mua thực phẩm online đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Trọng Hiếu
Khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc
Từ khi sinh bé thứ hai, để có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc con cái, chị Lê Thị Huyền (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông) đã chọn mua thực phẩm trên “chợ online”. Chị Huyền chia sẻ: “Nhiều lần mua thực phẩm trên mạng, tôi cũng nhận được những sản phẩm ưng ý, thực phẩm bảo đảm chất lượng, tươi ngon. Thế nhưng cũng không ít lần sản phẩm nhận được không như hình ảnh được quảng cáo, rao bán trên mạng, thậm chí đành vứt bỏ, không dám sử dụng”.
Thực trạng kinh doanh thực phẩm online hiện nay cho thấy, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online qua các trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Việc mua, bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Điều đáng nói, việc kinh doanh này đa phần là nhỏ lẻ, hầu hết không có giấy phép, nhiều loại thực phẩm được rao bán theo kiểu nhà làm, nên không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng trong kinh doanh trực tuyến. Đơn cử như vụ việc sản phẩm mật ong là sản phẩm pha chế, kém chất lượng, rất nguy hại cho người tiêu dùng. Cùng với đó là vụ việc thực phẩm đông lạnh đã được phù phép, sửa hạn sử dụng…, dẫn đến người tiêu dùng phải sử dụng những sản phẩm không an toàn. Điều đáng nói, trong giai đoạn mua bán trực tuyến đang phát triển mạnh như hiện nay, người mua - người bán không gặp nhau, thì nguy cơ người tiêu dùng mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng là rất lớn.
Thế nhưng, công tác quản lý việc kinh doanh thực phẩm online lại đang gặp phải không ít khó khăn. Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, quận đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… trên địa bàn. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn được những sản phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường. Thế nhưng, với hình thức bán hàng, kinh doanh thực phẩm online, không có địa điểm cố định nên rất khó để kiểm tra, giám sát và xử lý khi phát hiện vi phạm. Thậm chí, có những địa chỉ bán hàng online là địa chỉ “ảo”, thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ.
“Từ năm 2021 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông qua Tổ xử lý phản ứng nhanh đã khóa 200 gian hàng online, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thông qua hình thức kinh doanh trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp”, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin thêm.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn, trong dự thảo này cũng đưa ra rất nhiều quy định, gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số. Với sự phát triển của công nghệ 4.0, thì trách nhiệm trong việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo luật này, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai các giải pháp đồng bộ, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng Việt trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử, từ đó người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng...
“Thương mại điện tử là lĩnh vực giao thoa của rất nhiều bộ, ngành. Để đưa hình thức kinh doanh online nói chung và kinh doanh thực phẩm online nói riêng vào nền nếp cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, bộ, ngành liên quan. Chúng tôi đang triển khai các giải pháp đồng bộ và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát các sàn thương mại điện tử, các website, các trang bán hàng online qua mạng xã hội..., qua đó cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, từ đó tăng cường việc giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết.