Hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có nhiều cải cách, biện pháp để giúp các DNNVV có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 1/3 số DN tiếp cận được vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là một động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, đặc biệt gần đây được sự quan tâm hơn về mặt chính sách tạo điều kiện phát triển. Với lĩnh vực ngân hàng, trong nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển DNNVV, các NHTM xác định đây là nhóm khách hàng được ưu tiên cho vay và mở rộng dịch vụ ngân hàng.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các DNNVV đã được cải thiện, từ mức tăng 2,44% (năm 2013) lên mức tăng trưởng 6,10% (năm 2014), 7,56% (năm 2015), 15% (năm 2016) và 7,49% trong 8 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV chưa đáp ứng được kỳ vọng, thường xuyên thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung đối với toàn nền kinh tế. Điều này làm cho tỷ trọng dư nợ cho vay đối với DNNVV trong tổng tín dụng có xu hướng giảm sút, từ mức trên 40% vào cuối năm 2011 và hiện nay xuống chỉ còn khoảng 21%.

Vấn đề chính ở đây là việc tiếp cận vay vốn ngân hàng của nhóm DNNVV còn gặp không ít khó khăn. Mặc dù hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có nhiều cải cách, biện pháp để giúp các DNNVV có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 1/3 số DN tiếp cận được vốn ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới trình độ quản trị tài chính của hầu hết các DNNVV vẫn còn yếu kém. Một bộ phận DN thậm chí không có kế toán riêng, phần lớn không có khả năng xây dựng các kế hoạch tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh dài hạn. Năng lực quản lý dòng tiền thấp, nhiều DNNVV không xây dựng được một hệ thống báo cáo đầy đủ, đồng thời không ít các DN không muốn tiết lộ thông tin.

Việc hạn chế về thông tin khiến cho các TCTD đánh giá về rủi ro những khoản vay này cao hơn, theo đó áp dụng các tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn. Hoạt động cho vay vẫn chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm, trong khi các DNNVV thường khó đáp ứng. Mặt khác, năng lực quản trị rủi ro của NHTM còn hạn chế, việc đánh giá tính hiệu quả của phương án/dự án sản xuất kinh doanh nhiều lúc còn bất cập, quá trình thẩm định do không đầy đủ thông tin đầu vào nên thường kéo dài. Thêm vào đó các TCTD còn thiếu những sản phẩm đặc thù phù hợp với đặc điểm kinh doanh, năng lực tài chính của các DNNVV, vì vậy việc tiếp cận tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn.

Từ thực tế đó, để có thể cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng thì 3 vấn đề mấu chốt cần được giải quyết. Đó là: Nâng cao năng lực thẩm định tín dụng và thiết kế những sản phẩm đặc thù phù hợp với DNNVV của các TCTD; Phát triển hệ thống thông tin DN và hỗ trợ các TCTD tiếp cận được các nguồn thông tin nhằm nâng cao khả năng đánh giá khách hàng vay vốn, giảm bớt sự lệ thuộc vào tài sản bảo đảm khi cho vay; Nâng cao kiến thức về quản trị tài chính cho DNNVV nhằm tăng cường khả năng xây dựng các kế hoạch tài chính phù hợp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro trong quá trình sử dụng vốn vay.

Giải quyết các vấn đề này không thể chỉ là các ngân hàng, mà cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý và cộng đồng DN. Bên cạnh đó, cần tiến hành từng bước, có lộ trình mang tính dài hạn đảm bảo sự tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV một cách hiệu quả, an toàn thúc đẩy khu vực DN này phát triển.

http://thoibaonganhang.vn/tin-dung-doanh-nghiep-nho-va-vua-69064.html

/ Theo Thời báo Ngân hàng