Với chiến thắng trong cuộc bầu cử và chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang gấp rút chuẩn bị các kế hoạch chính sách, và một trong những cam kết được nhiều người quan tâm nhất là chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Đây là một lời hứa đầy tham vọng, và những tín hiệu đầu tiên từ đội ngũ của ông đã xuất hiện với những đề xuất cụ thể, dù vẫn còn nhiều tranh cãi và phản đối từ cả phía Ukraine lẫn Nga. Dẫu vậy, với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” vốn nổi tiếng, ông có thể sẽ cố gắng giảm thiểu sự can thiệp của Mỹ vào xung đột tại Ukraine, chuyển vai trò đó sang cho các đồng minh châu Âu và tiếp tục hỗ trợ Ukraine một cách gián tiếp.

shakehands.jpg -0
Tổng thống Vladimir Putin bắt tay ông Donald Trump hồi năm 2018. Ảnh: Getty Images

Theo thông tin từ Wall Street Journal (WSJ), đội ngũ của ông Donald Trump đang đề xuất một kế hoạch mà theo họ là hướng đến hòa bình và ổn định lâu dài. Kế hoạch này kêu gọi việc “đóng băng” xung đột tại Ukraine và thiết lập một khu phi quân sự dọc theo mặt trận xung đột. Đề xuất này đi kèm với điều kiện Ukraine phải cam kết từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO ít nhất trong 20 năm. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ đào tạo cho lực lượng Ukraine, nhưng sẽ tránh việc điều binh lính Mỹ tham chiến.

Một thành viên trong đội ngũ của ông Donald Trump chia sẻ, “Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhưng súng đạn sẽ là của châu Âu. Người Mỹ sẽ không phải đổ máu trên đất Ukraine. Và nước Mỹ không chi trả cho việc duy trì hòa bình tại đây”.

Đề xuất này, tuy đầy tham vọng, nhưng ngay từ đầu đã gặp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia phân tích quốc tế. Nhà phân tích chính trị và quân sự người Nga Sergey Poletaev cho rằng, dù đây là động thái hòa bình đầu tiên, khả năng thực hiện thành công rất thấp, vì Nga không chấp nhận một giải pháp không đảm bảo được mục tiêu loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa quân sự từ Ukraine.

Theo ông, việc Ukraine gia nhập NATO và việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev vẫn là hai yếu tố khiến Nga cảm thấy bị đe dọa. Đối với Nga, mục tiêu lý tưởng không chỉ dừng lại ở việc Ukraine từ bỏ NATO mà còn ở việc giải trừ quân bị Ukraine và loại bỏ sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực này.

Chuyên gia Sergey Poletaev nhấn mạnh rằng, các yêu cầu của Nga liên quan đến cắt giảm quy mô quân đội Ukraine đã được nêu trong các cuộc đàm phán ở Istanbul năm 2022. Thậm chí, vào tháng 6 vừa qua, Nga đã đưa ra đề xuất về một hiệp định hòa bình bao gồm việc giảm binh lực và sự bảo đảm an ninh từ phía Nga, song không nhận được sự đồng tình từ phía NATO.

Vị chuyên gia khẳng định, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải dựa trên sức mạnh quân sự, chính trị, và kinh tế của Nga. Nếu trong hai thập niên tới, Nga vẫn duy trì sức mạnh như hiện tại, ông tin rằng, Nga có thể đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi một thỏa thuận hòa bình tạm thời được thiết lập, sự ổn định sẽ luôn phụ thuộc vào cân bằng quyền lực giữa các bên liên quan.

Bên cạnh những đề xuất hòa bình, vẫn có không ít lo ngại rằng chính quyền ông Donald Trump có thể đẩy xung đột leo thang trong một số tình huống nhất định. Theo chuyên gia Sergey Poletaev, mặc dù đảng Cộng hòa có thể sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine bằng cách cho phép sử dụng các hệ thống tấn công tầm xa của NATO để đối phó với Nga, họ vẫn sẽ không mạo hiểm can thiệp trực tiếp vì lo ngại nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Thay vào đó, các chiến lược của Mỹ sẽ chủ yếu tập trung vào việc làm suy yếu quân đội Nga và tăng cường khả năng phòng vệ cho Ukraine mà không trực tiếp đối đầu với Moscow.

Vị chuyên gia tin rằng, chính quyền ông Donald Trump sẽ tránh xa các chiến lược có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ và Nga. Theo ông, cuộc xung đột tại Ukraine chỉ có thể kết thúc khi chi phí chiến tranh đối với Ukraine trở nên quá lớn, không thể bù đắp bằng các lợi ích từ sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây.

Điện Kremlin tỏ ra khá thận trọng và dè dặt trước các kế hoạch được nêu trong WSJ, cho rằng, những đề xuất này còn quá “trừu tượng” để có thể đưa ra bất kỳ bình luận chi tiết nào. Khi được hỏi liệu Nga có đã biết rõ về những đề xuất này chưa, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời: “Mọi thứ trong bài báo này rất chung chung. Nội dung này giống như là kế hoạch của Wall Street Journal cho Ukraine”.

Đánh giá về khả năng ông Donald Trump có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, người phát ngôn Dmitry Peskov cho rằng, đây là một lời tuyên bố mang tính “phóng đại”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng bất kỳ sáng kiến hòa bình nào vẫn tốt hơn so với việc tiếp tục theo đuổi xung đột.

Trong khi đó, tại một diễn đàn thảo luận ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với chiến thắng của Donald Trump, gọi ông là “người đàn ông thực thụ” vì đã vượt qua các thử thách khó khăn trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về cách thức chấm dứt xung đột Ukraine, chỉ nói rằng: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra lúc này. Tôi không có manh mối”.

Trong khi đó, phản hồi trước đề xuất của ông Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự không hài lòng và cho rằng, việc đình chỉ xung đột mà không giải quyết triệt để sẽ chỉ là cách để Nga duy trì ảnh hưởng. Theo ông, việc đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời chỉ đơn thuần tạo điều kiện cho Nga củng cố lực lượng, làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine trong dài hạn. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định rằng, đối với Ukraine, một thỏa thuận hòa bình vội vã chẳng khác nào sự phản bội đối với nền độc lập của đất nước này.

Chia sẻ quan điểm này, Cố vấn truyền thông của Tổng thống Ukraine, ông Dmitry Litvin, cũng cho rằng, kế hoạch mà WSJ đề cập có thể không phải là kế hoạch chính thức của ông Donald Trump, vì các chiến lược chính trị quan trọng khó có thể được tiết lộ trên báo chí. Theo ông, điều quan trọng là Ukraine vẫn kiên định bảo vệ chủ quyền và không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào cản trở mục tiêu độc lập.

Khi các bên chưa đạt được sự đồng thuận và những bất đồng vẫn còn đó, kế hoạch hòa bình của ông Donald Trump, dù mang tính đột phá, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá khả năng thành công. Trong khi đó, Nga tiếp tục khẳng định sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ mà họ đã tuyên bố sáp nhập vào mùa Hè, yêu cầu Kiev từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, và tuyên bố rằng, chỉ có Nga mới có thể mang lại hòa bình lâu dài cho Ukraine. Tương lai của Ukraine sẽ còn phụ thuộc vào những yếu tố rất phức tạp, từ sự phân bổ quyền lực toàn cầu đến mức độ kiên quyết của các bên liên quan trong việc tìm kiếm một giải pháp bền vững.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tin-hieu-dau-tien-cua-ong-donald-trump-ve-cuoc-xung-dot-ukraine-i749786/

Khổng Hà / CAND