Cơ quan quản lý thuế đã nghĩ đến biện pháp công khai danh tính những người có thu nhập từ các mạng xã hội hay các tổ chức nước ngoài như Google Play, Apple Store, YouTube… để tăng sức răn đe.
Dò dẫm thu thuế
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thuế TP Hà Nội, tính đến hết 10/10/2019, đơn vị này đã thu được trên 15 tỷ đồng tiền thuế từ các cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm qua Google Play, Apple Store, YouTube…
Trước đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiến hành thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài như Google Play, Apple Store, YouTube... Qua đó, đã lập được danh sách 47 tổ chức với số tiền hơn 78,6 tỷ đồng (các doanh nghiệp kê khai nộp thuế GTGT, TNDN theo quy định), và 526 cá nhân với số tiền hơn 291,35 tỷ đồng trên địa bàn TP Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Cục Thuế Hà Nội đã phân loại và mời các cá nhân có doanh thu từ 1 tỷ đồng đến cơ quan thuế để tuyên truyền chính sách thuế, cấp mã số thuế (đối với trường hợp chưa có mã số thuế), hướng dẫn kê khai nghĩa vụ thuế…
Tính đến hết 10/10/2019, các cá nhân đã nộp được trên 15 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, còn 1 cá nhân có doanh thu 80 tỷ đồng chưa nộp và đang được cơ quan thuế hỗ trợ để thực hiện nghĩa vụ về thuế. Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong trường hợp người này không thực hiện, Cục sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội Facebook, cơ quan thuế Hà Nội cũng đã tiến hành rà soát trên 13.000 tài khoản facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Qua đó, cơ quan này đã phân loại được 2.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh qua mạng theo từng đối tượng, tình trạng hoạt động, xác định được trên 1.000 chủ tài khoản phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế (1.000 tài khoản còn lại thuộc các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và đang kê khai, nộp thuế).
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết vừa phát hiện và truy thu thuế một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip trên mạng này, kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 - 2018 nhưng không kê khai, quyết toán thuế. Qua quá trình làm việc, cá nhân này đã đồng ý nộp số thuế tương ứng 1,5 tỉ đồng vào ngân sách.
Ngoài ra, cơ quan thuế TP.HCM đang tiếp tục thu thập thông tin về nhiều cá nhân khác có thu nhập từ các kênh YouTube, Google Play, Apple Store…, trong đó có cá nhân khác thu nhập khoảng 20 tỉ đồng, tương ứng số thuế 1,5 tỉ đồng.
Theo quy định hiện nay, các cá nhân có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube, Facebook hay các ứng dụng khác đều thuộc đối tượng chịu thuế. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ỳ nộp thuế, các cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.
Nhiều cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ các ứng dụng, mạng xã hội
Tuy nhiên, làm thế nào để phát hiện những người có thu nhập từ các ứng dụng, mạng xã hội lại đang là vấn đề làm đau đầu cơ quan thuế. Theo Cục Thuế TP Hà Nội, quá trình thu thập thông tin, đôn đốc các cá nhân, tổ chức có thu nhập từ các các tổ chức này kê khai, nộp thuế đã gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất là trình độ hiểu biết về chính sách pháp luật thuế của các cá nhân còn hạn chế dẫn đến việc tuân thủ các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước chưa tốt.
Thứ hai là Luật Viễn thông, Luật Tổ chức tín dụng giới hạn việc cung cấp thông tin, thông tin cung cấp để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì vậy khả năng tiếp cận thông tin của cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn, không triển khai phân tích được trên cơ sở dữ liệu lớn.
Việc rà soát thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cần phải có sự vào cuộc của các Bộ ngành, các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chế tham gia cụ thể.
Có thể sẽ công khai danh tính người chây ỳ thuế
Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020 đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế; về việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…
Ngành thuế cũng đang nghiên cứu các quy định hướng dẫn chi tiết quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các biện pháp khấu trừ tại nguồn hoặc tại các tổ chức tín dụng để thu ngay nghĩa vụ thuế phát sinh trước khi chuyển tiền cho các cá nhân.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. “Tất cả các ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master...đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động. Các dòng tiền thanh toán đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép”, ông Lưu Đức Huy nói.
Ngoài ra, cũng cần cả sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả. Đại diện ngành thuế cũng cho rằng việc công khai danh tính các cá nhân có biểu hiện né thuế, chây ỳ nộp thuế cũng cần đẩy mạnh để thúc đẩy quá trình tự giác nộp thuế nhanh hơn.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cũng cho rằng, việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn, từ đó cũng góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế như thời gian qua.
Asanzo bị phạt và truy thu thuế hơn 68 tỷ đồng |
Tài xế Go-Viet bắt đầu phải đóng thuế thu nhập cá nhân |
Gian nan thu thuế YouTuber, Facebooker vì các "ông lớn" thiếu hợp tác |