Tư duy của xã hội về định hướng công việc sẽ thay đổi từ cuộc cách mạng tinh giản bộ máy, cán bộ Nhà nước thực sự là người phục vụ, là đầy tớ của dân như lời Bác Hồ.

Những ngày này, khí thế của cuộc cách mạng tinh giản biên chế mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động giống như một cơn bão đang quét đi những vật cản chắn trên con đường đi tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quét đi những yếu kém, những thứ không cần thiết và tạo ra một môi trường mới, nơi chỉ có những cán bộ thực sự giỏi và phù hợp để phục vụ đất nước, Nhân dân một cách hiệu quả nhất.

Nói về vấn đề này trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội sáng 3/12, Tổng Bí thư cho rằng từng cán bộ “cần xem đóng góp của mình có phù hợp với đồng lương của Nhân dân, Chính phủ trả hay không”.

Tinh gọn bộ máy sẽ thay đổi tư duy về định hướng công việc. (Đồ họa: HM/Shutterstock)

Tinh gọn bộ máy sẽ thay đổi tư duy về định hướng công việc. (Đồ họa: HM/Shutterstock)

Thông điệp đó khiến nhiều người nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm khu mỏ Hồng Quảng (Quảng Ninh), địa danh nổi tiếng về truyền thống cách mạng, vào năm 1967: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của Nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân”.

Ông chủ Nhân dân cũng như những người sử dụng lao động khác, luôn đòi hỏi bộ máy nhân sự phải tối ưu, sao cho từng người đều làm việc hiệu quả, đòi hỏi loại bỏ những nhân sự yếu kém hoặc dư thừa.

Nhận thức này là tư tưởng xuyên suốt trong hơn 9 thập kỷ Đảng lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên. Tuy nhiên, có những khoảng thời gian, sự suy thoái tư tưởng đạo đức của một bộ phận cán bộ khiến suy nghĩ lệch lạc xuất hiện và lây lan như cỏ dại; những vị trí công tác đầy trách nhiệm nặng nề lại được coi là cái “ghế quan” đem lại lợi lộc béo bở cho chính cán bộ và người thân, cánh hẩu của họ.

Từ đó mà có nạn chạy quyền, chạy chức, tham nhũng, hối lộ. Người ta cố gắng tìm mọi cách vào cơ quan nhà nước, tìm những con đường tắt để thăng tiến nhằm nhanh chóng gặt hái lợi lộc, khai thác tối đa những lợi ích cho bản thân.

Người không có khả năng kiếm chức tước cũng mong “chạy” vào nhà nước để được ổn định công việc suốt đời, để yên tâm rằng đã vào biên chế thì dù chỉ “sớm cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn được nhận lương, dù lười và làm việc kém đến mấy cũng không bị đuổi việc.

Suốt một thời gian dài, trong suy nghĩ của nhiều người, vào cơ quan nhà nước là vào hưởng thụ chứ không phải phục vụ. Tư tưởng sai trái này ảnh hưởng rất lớn đến những người trẻ tuổi và cha mẹ họ trong định hướng nghề nghiệp.

Thông điệp rõ ràng cùng những hành động mạnh mẽ khiến người dân hiểu và tin rằng trong thời gian tới, sẽ không có cửa cho những người muốn chui vào cơ quan nhà nước để đục khoét và kiếm chác, để nhận những lợi ích không tương xứng với cống hiến của mình.

 

Ai cảm thấy năng lực và lý tưởng của mình phù hợp với công việc đó thì mới ứng tuyển vào hệ thống các cơ quan nhà nước, giống như khi cân nhắc chọn những ngành nghề khác. Nói cách khác, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy chắc chắn sẽ thay đổi tư duy của xã hội về định hướng công việc, trở về với đúng bản chất lành mạnh của nó.

Nếu như một thời gian khá dài trước đây, người ta coi việc làm cán bộ nhà nước đồng nghĩa với quyền hành, bổng lộc (và thực tế cũng đã phần nào cho thấy điều đó) thì sau “cơn bão” tinh giản bộ máy này, trong tư duy của xã hội, làm cán bộ là phục vụ nhân dân, chấp nhận mọi thay đổi, phục tùng sự phân công của cấp trên, không có chuyện thăng tiến theo con đường vạch sẵn để hưởng bổng lộc hay để thể hiện quyền lực.

Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ không thể là “vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém” như cách nói của Tổng Bí thư, vì hệ thống sẽ tự động loại trừ, và bản thân những người muốn giàu có ức vạn để hưởng thụ cuộc sống xa hoa cũng sẽ không chọn vào làm trong cơ quan nhà nước.

Trong bộ máy sẽ chỉ còn những người đủ tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức, xứng đáng với đồng lương nhân dân trả cho họ và có mong muốn cống hiến trong công việc này.

Cuộc cách mạng nào cũng có hy sinh. Ngoài những người xứng đáng bị loại bỏ, còn rất nhiều cán bộ có đức, có tài nhưng vẫn bị thừa ra khi bộ máy cần tinh gọn.

Tin rằng phần lớn trong số họ sẽ sẵn lòng hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì lợi ích của đất nước, điều mà mỗi đảng viên đều phải tâm niệm khi đứng vào hàng ngũ. Là đảng viên, họ sẽ luôn tuân theo sự phân công của tổ chức khi đảm nhận hay rời bỏ một vị trí công việc.

Và nếu là người có tài, khi rời cơ quan nhà nước hoặc không còn giữ vị trí cũ ở cơ quan nhà nước, họ vẫn sẽ phát huy năng lực trong công việc mới, cống hiến cho xã hội theo một cách khác. Thực tế cho thấy, đã có nhiều cán bộ lãnh đạo từ cơ quan nhà nước bước ra và thành công, tiếp tục đóng góp lớn cho cộng đồng.

Tổng Bí thư khẳng định, tinh giản bộ máy là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm và không thể chậm trễ, vì Việt Nam “đang phải tập trung vươn mình, phải chạy thật nhanh để đuổi kịp với thế giới”, mà “phải nhẹ đi mới bay được cao".

Sự thần tốc và dứt khoát trong cuộc cách mạng tinh giản bộ máy sẽ làm thay đổi tư duy của xã hội về định hướng công việc và đến lượt mình, sự thay đổi tư duy này sẽ góp phần đảm bảo kết quả bền vững của cuộc cách mạng đó.

 https://vtcnews.vn/tinh-gon-bo-may-se-thay-doi-tu-duy-ve-dinh-huong-cong-viec-ar911685.html

Quang Minh / VTC News