Trong cơn lũ dữ, nhiều người dân xứ Huế không quản nguy hiểm giúp nhau chống chọi với dòng nước xiết.

Những ngày này, nhà văn Lê Vĩnh Thái (44 tuổi, Phó tổng biên tập tạp chí Sông Hương) đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm với 57 học sinh đã cùng ông sống sót qua cơn lũ đầu tháng 11 năm 1999.

20 năm trước, anh Thái là giáo viên Giáo dục công dân tại trường THCS Hương Thọ ở thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà). Ngôi làng này nằm đầu dòng sông Hương nơi dòng Hữu Trạch và Tả Trạch giao nhau chảy về xuôi.

tinh nguoi xu hue trong tran lu 20 nam truoc
Thôn La Khê Trẹm nằm đầu dòng sông Hương nơi dòng sông Hữu Trạch, Tả Trạch gặp nhau. Ảnh: Võ Thạnh

Khoảng 14h30 ngày 1/11/1999, anh Thái đang dạy ở trường thì nghe người dân địa phương thông báo nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Lo sợ học sinh không thể qua đò về được, anh cho các em nghỉ sớm. Song nước lũ lên quá nhanh, chảy xiết, 57 học sinh khối 7 và khối 8 không thể về nhà. Nhìn ra bên ngoài, anh Thái thấy dòng nước đục đỏ ngầu chảy xiết, sau một lúc đã cuốn theo nhà cửa, gia súc.

"Nước lũ tràn vào phòng học, lúc đó, tôi gọi 57 em học sinh tập trung vào một chỗ Nước dâng đến đâu, chúng tôi kê bàn ghế lên cao đến đó. Trong đêm 1/11, mấy thầy trò không chợp mắt mà chỉ ngồi canh nước lũ, lót dạ bằng mì tôm, cơm vắt do anh bảo vệ trường đem sang", anh Thái nhớ lại.

Rạng sáng 2/11, thấy nước lũ lên ngang cửa sổ, anh Thái và một thầy giáo trong trường phá ngói, đưa toàn bộ học sinh lên mái nhà trường ngồi để tránh lũ. Lúc này trời đổ mưa lớn và trở lạnh. Mấy chục thầy trò ngồi co ro, ôm nhau trên mái nhà nhìn dòng nước lũ. Đến trưa 2/11, người dân địa phương đã đưa thuyền ra ứng cứu, chờ thầy trò lên núi để tránh lũ.

Mấy ngày trên núi, anh Thái cùng người dân địa phương đi chặt chuối non, nhổ sắn cho học sinh ăn chống đói. Sau khi lũ rút dần, một số em học sinh được cha mẹ chèo thuyền lên đón về. Sau khi bàn giao 5 học sinh cuối cùng cho gia đình, ngày 6/11, anh Thái băng đường bộ về nhà ở thành phố Huế.

"Trên đường đi, tôi thấy làng xóm khắp nơi như một bãi chiến trường. Xác động vật nổi lềnh bềnh trên dòng sông Hương, nhìn đâu cũng thấy dải khăn tang và tiếng khóc gào gọi người thân" anh Thái hồi tưởng.

Sáu ngày lũ không liên lạc với gia đình, người thân tưởng anh Thái đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ nên đổ đi tìm kiếm. "Về đến nhà, ba tôi ôm lấy tôi mừng mừng mừng tủi tủi"anh Thái nói.

Ở thôn Ngũ Đông (xã Thủy An cũ) nay là phường An Đông, nhiều người dân vẫn nhớ như in trận lũ lịch sử năm 1999, nhất là hình ảnh ông Phan Đình Đơn chèo thuyền, ông Ngô Dần cởi trần lội bộ dắt thuyền vượt dòng nước lũ, đưa dân làng đi tránh lũ ở chợ An Cựu vào sáng ngày 2/11.

Năm nay đã 60 tuổi, ông Phan Đình Đơn kể lại, chiều 1/11, thấy nước lũ đục ngầu ở sông An Cựu đổ về nhanh, ông Đơn đưa chiếc thuyền của công ty môi trường về cột ở trước cổng xã Thủy An (nay là trụ sở phường An Đông). Đến tối, nước lũ từ sông An Cựu dâng cao, gây ngập các tuyến đường.

tinh nguoi xu hue trong tran lu 20 nam truoc
Phan Đình Đơn với tấm bằng khen được tặng 20 năm về trước. Ảnh: Võ Thạnh

Sáng 2/11, nhà cửa người dân ở thôn Ngũ Đông chìm trong biển nước đục ngầu. Xác người, gia súc bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt ông Đơn.

Sau khi chở vợ con đến nơi an toàn, ông Đơn quay lại chèo thuyền đến từng hộ dân bị mắc kẹt để giải cứu. Lúc này, ông Ngô Dân ở gần đó thấy thuyền có nguy cơ cuốn theo dòng nước xiết, nên đã lội nước đến dắt mũi thuyền đi theo con đường dọc sông An Cựu để đưa mọi người đến tránh lũ ở chợ An Cựu. Trong buổi sáng 2/11, ông Đơn và ông Dân đã cứu được gần 300 người dân ở xã Thủy An.

"Lúc đó nước lũ đổ về nhanh, thuyền chở đông người nên khi bị nước lũ đẩy thì rất khó di chuyển. Nếu không có anh Dân dắt mũi thuyền, chắc tôi không thể chở được mọi người đi tránh lũ", ông Đơn nói.

Sau lũ, ông Đơn được chính quyền địa phương tặng bằng khen và đến nay sau 20 năm, ông vẫn giữ gìn cẩn thận tấm bằng khen này như một vật kỷ niệm quý giá.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trận lũ năm 1999 gây ra thiệt hại lớn môt phần do công tác dự báo còn yếu kém, không lường trước được mức tàn phá của thiên tai. Lý do khác là cơ sở vật chất, nhà cửa của người dân vào năm 1999 nhiều nơi còn tạm bợ, nhưng họ vẫn chủ quan vì đã trải qua nhiều cơn lũ trước đó.

"Lượng nước lũ từ thượng nguồn sông Hương, sông Bồ đổ về hạ du quá lớn trong khi mực nước biển dâng cao, nước lũ không thoát kịp ra biển đã gây ngập cục bộ", ông Hùng nói và cho rằng thiệt hại do cơn lũ 1999 có thể lớn hơn con số 352 người chết, 21 người mất tích nếu người dân không tương trợ nhau trong thiên tai, hoạn noạn.

Trong 20 năm qua, cùng với đầu tư xây dựng các công trình phòng chống lũ, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng thông tin, phổ biến kiến thức về thiên tai, cách phòng, chống cho người dân.

"Những năm gần đây, khi lũ lụt hay bão xảy ra, lực lượng tại chỗ được bố trí trong các khu dân cư, các vùng xung yếu, điểm nóng để ứng trực, tuần tra; ngăn chặn người dân chủ quan đi lại, đánh bắt thủy sản, vớt củi. Chính lực lượng tại chỗ đã giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người trong bão, lũ" ông Hùng nói.

Trận lũ đầu tháng 11 năm 1999 đã gây hậu quả nặng nề cho 10 tỉnh miền Trung với 595 người chết. Riêng tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề nhất với 352 người chết, 21 người mất tích.

Trong lễ truy điệu người dân chết trong lũ tháng 11/1999, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Ngô Uyên Thi nói đây là trận lũ khủng khiếp nhất mà người dân điịa phương gánh chịu.

Võ Thạnh

tinh nguoi xu hue trong tran lu 20 nam truoc Sự tàn khốc của Hagibis và tình người trong bão

Tình người Nhật Bản lại một lần nữa bộc lộ trong thiên tai, trong sự tàn khốc của cơn bão Hagibis vừa quét qua đảo ...

tinh nguoi xu hue trong tran lu 20 nam truoc Bản nhỏ vùng cao Thanh Hoá hoang tàn sau cơn lũ dữ

Nước lũ trên núi kèm theo đất đá ồ ạt đổ xuống nhấn chìm bản Poọng (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) ...

/ vnexpress.net