Nhiều cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài gia tăng thu nhập bằng cách kinh doanh đủ loại ngành nghề.
Tòa nhà Terra Residence, thuộc sở hữu của Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Sofia, Bulgaria, được dùng làm địa điểm tổ chức các sự kiện như tiệc cưới, chụp ảnh tạp chí hoặc quay video ca nhạc. Ảnh: New York Times. |
Liên Hợp Quốc siết chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh tay ban hành sắc lệnh nhằm cô lập Triều Tiên về mặt kinh tế với hy vọng gây sức ép đủ lớn để lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã ứng biến bằng nhiều cách bao gồm biến khoảng 40 cơ sở ngoại giao ở nước ngoài trở thành những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, New York Times đưa tin.
Đã nhiều năm, người dân sống xung quanh đại sứ quán Triều Tiên ở phía nam thủ đô Sofia của Bulgaria phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ bên trong tòa nhà được rào kín cổng cao tường. Các bữa tiệc huyên náo, thậm chí với pháo hoa tưng bừng, được tổ chức vào các buổi tối ở đây vài ba lần một tuần.
"Bây giờ thì chưa ầm ĩ đâu", Bonka Nikolova, một người dân sống gần sứ quán Triều Tiên nói khi khách khứa đang đổ vào bên trong để dự một bữa tiệc cưới. "Nhưng nếu họ trả tiền cho màn bắn pháo hoa thì sẽ có pháo hoa đấy".
Cô Nikolova có lần đã gọi điện cho cảnh sát nhờ can thiệp để giảm tiếng ồn nhưng họ không thể làm gì cả bởi một lý do: tòa nhà đó được miễn trừ pháp lý chiếu theo quy ước ngoại giao giữa hai chính phủ Bulgaria và Triều Tiên. Và tòa nhà, với nhiều phòng lớn được phủ kín bởi các hoa văn, họa tiết mạ vàng, tiếp tục trở thành địa điểm yêu thích của người dân địa phương để tổ chức tiệc cưới, liên hoan hoặc dạ hội.
"Bố vợ tôi từng là một đại sứ", Marcus Noland, phó chủ tịch Học viện Peterson về Kinh tế Quốc tế cho biết. "Và có lần ông kể cho tôi biết nhiều năm trước đây, các đoàn ngoại giao ở Ấn Độ truyền tai nhau rằng nếu anh muốn mua thịt bò thì có thể gõ cửa sau của đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Delhi. Họ có hẳn một lò mổ ở dưới tầng hầm". Người Ấn Độ kiêng ăn thịt bò vì đây là loài động vật linh thiêng được tôn thờ.
Các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài bắt buộc phải kinh doanh để có thu nhập duy trì hoạt động của sứ quán đồng thời gửi ngoại tệ về nước. Bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế, năm ngoái tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên đạt 6,5 tỷ USD. Các nhà phân tích ước lượng trong số đó, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh của các sứ quán đóng góp một phần nhỏ.
Đại sứ quán của Triều Tiên ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn thu về ngoại tệ nhờ vào dịch vụ xuất khẩu lao động đi nhiều nơi trên thế giới, cung cấp lực lượng vệ sĩ cho một số lãnh đạo cấp quốc gia, thậm chí xuất khẩu cả vũ khí tới những nơi có chiến sự.
Quốc tế biết các nhân viên ngoại giao của Triều Tiên kiêm nhiệm việc buôn bán kinh doanh kể từ năm 1976 khi cảnh sát Na-uy phát giác mọi nhân viên làm việc tại đại sứ quán ở Oslo đều dính dáng đến hoạt động nhập khẩu và phân phối 10.000 chai rượu và 100.000 bao thuốc lá.
Hiện nay, do sức ép của lệnh trừng phạt, các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên duy trì hoạt động một cách yên ắng. Nhìn bề ngoài, đại sứ quán của Triều Tiên ở ngoại ô thủ đô London, Anh không khác gì những ngôi nhà bằng gạch đỏ xung quanh. Phải để ý rất kỹ, người ta mới thấy tấm biển, qua lớp hàng rào sắt, cho biết đây là nơi cư trú và làm việc của phái đoàn ngoại giao Triều Tiên. Theo quan sát của hàng xóm, ngoài chiếc xe ôtô hạng sang hàng ngày đỗ ở lối vào, không có dấu hiệu nào cho thấy có người sống trong tòa nhà này.
"Tôi chưa bao giờ thấy ai ra vào căn nhà đó cả. Mà tôi đã ở đây những một năm rồi", theo Ali Wiseman, một sinh viên sống cách đó hai nhà. Bạn cùng phòng của Wiseman, Rupert Thomson, cho biết: "Một lần, tôi nhìn thấy ba người phụ nữ làm vườn ở sân trước, họ lảng tránh và vờ như không nhìn thấy tôi".
Kim Joo-il, một binh sĩ đào thoát khỏi Triều Tiên và tị nạn tại London từ năm 2007, kể rằng thường xuyên gặp nhân viên ngoại giao của Triều Tiên tại các khu chợ trời bán đồ cũ vào ngày thứ 7.
"Họ ở đó mua đồ điện tử, đồ chơi như búp bê và đồ dùng nhà bếp. Sau đó, họ mang về lau sạch và sửa chữa một số món đồ rồi đem bán lại. Một số khác thì gửi về quê nhà", ông Kim nói qua một người phiên dịch tại nhà hàng của ông ở ngoại đô London.
Do yếu tố lịch sử, các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở nhiều quốc gia Đông Âu nằm trên những khu đất rộng rãi, đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng có thể tận dụng các bất động sản này làm cơ sở kinh doanh.
Ở Ba Lan, hơn 40 công ty, bao gồm một công ty buôn bán dược phẩm, một đại lý cung cấp dịch vụ quảng cáo và một câu lạc bộ du thuyền, đăng ký địa chỉ tại đại sứ quán Triều Tiên ở thành phố Warsaw.
Khuôn viên chính của Đại sứ quán Triều Tiên nằm ở phía nam của thủ đô Sofia, Bulgaria. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, tại thủ đô Sofia, Bulgaria, đại sứ quán Triều Tiên quản lý nhiều tòa nhà nằm trên hai khu đất khác nhau. Một khu là chỗ ở và làm việc của phái đoàn ngoại giao. Người dân và khách du lịch khi đi ngang khu đất này có thể thấy những bức ảnh chụp chân dung lãnh đạo Triều Tiên dán trên bảng thông tin làm bằng kính ngay trước cổng. Còn khu đất thứ hai, được gọi là Terra Residence, chỉ cách khu thứ nhất tầm 15 phút đi bộ về hướng tây, là địa điểm cho thuê tổ chức các sự kiện.
Trang web quảng cáo dịch vụ của Terra Residence đăng các bức ảnh cho thấy nội thất bên trong tòa nhà này lộng lẫy không khác gì cung điện Versailles ở Paris, Pháp với những chùm đèn pha lê khổng lồ, mành cửa sổ dệt bằng chỉ vàng và các bức tranh khổ lớn vẽ vũ công múa ballet.
Ngoài là địa điểm tổ chức tiệc cưới, vũ hội, liên hoan hay các sự kiện của các công ty, Terra Residence còn cung cấp địa điểm chụp ảnh tạp chí, làm video ca nhạc hay sản xuất phim quảng cáo.
"Tôi biết tòa nhà này trước kia là một đại sứ quán nhưng không hề biết nó là tài sản của Triều Tiên. Cảm giác bên trong rất dễ chịu", theo Bilyana Dimitrova, người tham dự một lễ cưới tổ chức tại Terra Residence hồi tháng trước.
Anelia Baklova, đại diện của công ty ký hợp đồng thuê lại tòa nhà với đại sứ quán Triều Tiên, cho biết qua e-mail rằng việc ký hợp đồng giữa hai bên diễn ra trước khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc có hiệu lực. Và công ty này đã đầu tư "một khoản tiền đáng kể" vào tu sửa và bảo trì tòa nhà nên họ vẫn chưa thể dừng các hoạt động kinh doanh tại đây. Nhưng theo cô Baklova, sau lệnh trừng phạt mới nhất, Terra đã "đóng băng" các khoản thanh toán với đại sứ quán Triều Tiên.
Một số các quốc gia như Đức tỏ ra cứng rắn, không cho phép Triều Tiên được sử dụng các phái bộ ở nước ngoài cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài hoạt động ngoại giao. Hồi tháng 5, Đức đóng cửa một khách sạn nằm trong khuôn viên đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Berlin. Động thái này là một phần trong Nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Trong khi đó, một số các nước khác như Ba Lan và Bulgaria chưa có hành động cụ thể nào.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê tại tòa nhà Terra cố gắng hòa hợp với những người láng giềng để thuận lợi cho việc làm ăn. Theo những người dân sống đối diện, trước mỗi sự kiện có bắn pháo hoa, Terra đều dán giấy thông báo và hứa màn bắn pháo sẽ không diễn ra sau 10h đêm. Chỉ cần có vậy cũng đủ để xoa dịu những người hàng xóm.
Và với người dân địa phương, điều khiến họ bận tâm không phải việc Triều Tiên tận dụng các cơ sở ngoại giao để kiếm ngoại tệ mà thái độ quan liêu của chính quyền sở tại.
"Khi anh sống ở một nơi mà kể cả những việc cỏn con cũng không thể giải quyết được thì anh chẳng quan tâm gì đến Chiến tranh Thế giới lần thứ ba đâu", cô Nikolova nói.
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/to-chuc-tiec-cuoi-ban-thit-bo-chieu-kiem-tien-ve-nuoc-cua-su-quan-trieu-tien-3652751.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-TheGioi&vn_campaign=vn