Tại các địa phương, cấp phường/xã đã chủ động thành lập những tổ phản ứng nhanh, cơ động sẵn sàng ứng trực 24/24h trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Hỗ trợ việc phân loại người cách ly, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giải đáp thắc mắc của người dân trong khu cách ly… là những việc làm mà tổ phản ứng nhanh sẽ thực hiện không quản ngày đêm để đảm bảo tốt nhất việc phòng chống dịch tại cơ sở.
Nửa đêm đưa người dân đi cách ly
Từ 0 giờ ngày 4.3, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Nhớ lại những tháng ngày chống dịch, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi - cho biết, sau khi địa phương có ca bệnh ngày 30.1, xã đã ra quyết định thành lập ban chỉ đạo để họp bàn xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Các đội phản ứng nhanh, cơ động phòng chống dịch cũng ra đời để triển khai nhiệm vụ như phân loại đối tượng, áp dụng biện pháp cách ly, phun khử khuẩn…
Làm nên thành công trong công cuộc phòng, chống dịch tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi khẳng định vai trò của trưởng thôn, đoàn thể vô cùng quan trọng. “Khi đó, mỗi thôn đã thành lập một đội phòng chống dịch và đội tình nguyện. Trưởng thôn là đội trưởng đội phòng chống dịch của thôn, mỗi đội gồm 17-26 người thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Các đội này được phân chia theo ca để đến từng gia đình đo thân nhiệt, nắm bắt sức khoẻ của người dân, ghi chép cụ thể và báo cáo lên xã. Có gia đình đi cách ly tại cơ sở y tế, chúng tôi phân công đoàn thể đến tận nhà chăm nom vật nuôi để gia đình có thể yên tâm tại khu cách ly này” - ông Sơn nói.
Những ngày đầu phòng chống dịch, anh Nguyễn Duy Hải (sinh năm 1980) - Trưởng thôn Ái Văn (xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - kể lại: “Lúc bấy giờ, thôn Ái Văn là nơi có ca bệnh dương tính là một trong 8 công nhân được cử sang Vũ Hán tập huấn. Thời điểm này, mỗi thôn đã thành lập những tổ phản ứng nhanh gồm ban, ngành đoàn thể trong thôn. Sau khi có quyết định phong toả xã Sơn Lôi, tổ phản ứng nhanh này làm thêm nhiều phần việc khác như đo thân nhiệt, phân phát nhu yếu phẩm đến người dân”.
Thời gian đầu, những người tham gia vào tổ phản ứng nhanh tại thôn Ái Văn không nhiều. Sau khi thấy trưởng thôn cần mẫn đi treo băngrôn hướng dẫn phòng chống dịch, tuyên truyền trên loa phát thanh của nhà văn hoá, phun khử khuẩn… khiến nhiều người dân cũng muốn góp sức, tự nguyện tham gia. “Nhận thông tin phong toả, địa phương có nhiều thanh niên đã nhắn tin, gọi điện cho tôi muốn tham gia vào đội trực chiến phòng chống dịch. Các bạn trẻ rất hào hứng nhưng người thân của họ lại lo ngại. Lúc này, tôi phải giải thích cho gia đình họ yên tâm là mọi người được tập huấn, có đầy đủ đồ bảo hộ khi tham gia” - anh Hải cho hay.
Ngoài những nhiệm vụ được giao như đi tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh, động viên, bình ổn tâm lý người dân… anh Hải nhớ nhất trường hợp công dân có biểu hiện mệt mỏi đã gọi trực tiếp cho anh hỗ trợ. “Lúc đó là 1h30 sáng, tôi lại gấp rút hỗ trợ đưa công dân này đến Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên để thăm khám và thực hiện cách ly. Với những người dân cần hỗ trợ gì, bất kể ngày hay đêm chúng tôi đều hết lòng giúp sức để chung tay đẩy lùi bệnh dịch” - Trưởng thôn Ái Văn chia sẻ.
Sẵn sàng tham gia đội phòng chống dịch
Làm tổ trưởng tổ dân phố được 2 năm, bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1954) - Tổ trưởng Tổ dân phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) - cho hay: “Tối 6.3, chúng tôi mới nắm được phố Trúc Bạch có ca dương dính với virus SARS-CoV-2. Ngay đêm hôm đó, tôi cùng cán bộ y tế phường đi đến từng hộ gia đình để giải thích giúp người dân không hoang mang, phải bình tĩnh trước dịch COVID-19”.
Sau khi được giải thích rõ về dịch bệnh, người dân yên tâm hơn với việc thực hiện cách ly cả khu phố. Cô Hảo nhớ mãi trường hợp một gia đình sống gần số nhà có bệnh nhân dương tính buộc cách ly tại bệnh viện. “Về sau này, gia đình đó kể lại với tôi là khi nghe tin phải đi cách ly khu vực tập trung, họ rất sợ, đã khóc. Sau khi nghe giải thích, họ đã trấn tĩnh lại và hợp tác đi cách ly” - bà Hảo nói.
Trong quá trình cách ly, người dân ở Trúc Bạch rất nghiêm túc chấp hành. Nếu có gia đình nào cần gì thêm, bà Hảo sẵn sàng giúp đỡ mua và chuyển vào khu vực cách ly đúng theo quy định.
Sau khi nhận thông tin về trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn, theo hướng dẫn của UBND phường, tổ dân phố số 11 (phường Nam Đồng, Hà Nội) lập tổ giám sát tại chỗ với gia đình được cách ly. Theo ông Phạm Thế Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 11, ông tạm gác lại những việc cá nhân thường nhật để tham gia vào đội chống dịch của phường tại tổ dân phố. Hàng ngày, ông Hùng đều theo dõi sát thông tin về dịch bệnh, nắm chắc những chỉ đạo từ phường, đi tới từng nhà dân phát tờ rơi, khuyến cáo người dân phòng dịch. Bảng tin của tổ dân phố cũng được ông Hùng trưng dụng tối đa để tuyên truyền dịch bệnh cho người dân.
ANH THƯ
Quân đội luôn là trụ cột quốc gia Chiều 22-3, tại Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo buổi làm việc trực tuyến ... |
Hà Nội sắp hoàn thiện bệnh viện dã chiến Mê Linh, thành lập 4 khu cách ly 4 khu cách ly tập trung với 11.600 chỗ lưu trú đã được thành lập, Bệnh viện dã chiến Mê Linh cũng được cải tạo ... |
Hà Nội: Người tham gia chống COVID-19 được phụ cấp 200.000 đồng mỗi ngày UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định về chế độ trong chống dịch COVID-19 , theo đó người tham gia chống dịch được ... |