Ngay sau khi tiết lộ sở hữu công nghệ gắn bom H (bom nhiệt hạch) vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên tuyên bố thử thành công loại bom này hôm nay.

Bom hạt nhân Triều Tiên (26 tin)

Tuyên bố của Bình Nhưỡng được Xinhua đăng tải không lâu sau khi Hàn Quốc, Nhật và Mỹ xác nhận địa chấn tại Triều Tiên.

Truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) cho biết quả bom này có thể được dùng để gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa. Cuộc thử nghiệm do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo là một "thành công hoàn hảo" và đánh dấu một bước "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thiện chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

KCTV cũng công bố lệnh tiến hành thử nghiệm bom H trưa ngày 3/9 do chính tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phê chuẩn.

Trong khi đó, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên đã "xác nhận độ chuẩn xác và tin cậy" của công nghệ mới này để đưa vào quá trình chế tạo vũ khí. Quả bom có "sức mạnh chưa từng thấy", thông cáo viết. Bình Nhưỡng cũng cho hay vụ thử bom không làm phát ra phóng xạ trong khí quyển.

"Đây là quả bom mạnh chưa từng thấy và đánh dấu bước phát triển quan trọng trên con đường hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của đất nước", KCNAtuyên bố.

Theo AFP, Triều Tiên tuyên bố nước này đã trở thành cường quốc nhiệt hạch sau khi thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch mạnh hơn nhiều lần so với quả bom nước này thử nghiệm trước đó năm 2016. Diễn biến mới này đặt ra thách thức to lớn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.

toan canh trieu tien tuyen bo thu thanh cong bom nhiet hach
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử bom của Triều Tiên ngày 3/9. Ảnh: Yonhap.

Địa chấn mạnh gấp gần 6 lần vụ thử tháng 9/2016

Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận địa chấn mạnh 6,3 độ Richter xảy ra tại Triều Tiên. Vị trí địa chấn ở khu vực cách thành phố Kimchaek, tỉnh Bắc Hamgyong, khoảng 55 km về phía tây bắc.

Trung Quốc còn ghi nhận trận động đất thứ hai mạnh 4,6 độ Richter xảy ra không lâu sau trận thứ nhất.

Các chuyên gia cho hay trận động đất là "không tự nhiên" bởi độ sâu của nó là 0 km, tức ngang mặt đất, trong khi các vụ động đất tự nhiên xuất phát từ dưới mặt đất.

Yonhap cho biết trận động đất này mạnh hơn 9,8 lần so với địa chấn từ vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng.

Nhật Bản đã lên tiếng xác nhận vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. "Sau khi đánh giá dữ liệu, chúng tôi kết luận đó là một vụ thử hạt nhân", kênh truyền hình NHK dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói sau cuộc gặp với Hội đồng An ninh Quốc gia.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đã triển khai ít nhất 3 phi cơ quân sự từ các căn cứ ở nước này để đo phóng xạ. Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố vụ thử hạt nhân là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và Tokyo sẽ "kịch liệt phản đối". Chánh văn phòng Nội các Yoshihide cho biết những biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên đang được xem xét.

Bình Nhưỡng từng 5 lần tiến hành thử hạt nhân. Lần gần đây nhất là vào tháng 9/2016.

Bom H là gì?

Vũ khí hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Nó tạo ra phản ứng dây chuyền với tốc độ tăng lên theo hàm số mũ, giải phóng một năng lượng khổng lồ trong thời gian ngắn. Bom được chế tạo theo cách này được gọi là bom nguyên tử, hay bom A.

Vũ khí hạt nhân cao cấp hơn lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch, hay còn gọi là tổng hợp hạt nhân. Đối với loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và ném phần nhiên liệu khác nhằm tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát rất nhiều. Loại vũ khí này được gọi là bom khinh khí hay còn có tên khác là bom hydro, bom H hoặc bom nhiệt hạch.

toan canh trieu tien tuyen bo thu thanh cong bom nhiet hach
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe với Mỹ. Ảnh: KCNA

Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần.

Bình Nhưỡng nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, đồng nghĩa với việc họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium đã có sức hủy diệt vô cùng lớn, bom H với thành phần chính là uranium có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Chỉ 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc sở hữu loại vũ khí này. Các nước khác như Ấn Độ và Pakistan chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường. Người ta chưa thể xác định tiềm lực của Israel vì nước này luôn giấu mọi thông tin về chương trình hạt nhân.

toan canh trieu tien tuyen bo thu thanh cong bom nhiet hach

[WIDGET_VIDEO:::335]

(http://news.zing.vn/trieu-tien-tuyen-bo-thu-thanh-cong-bom-nhiet-hach-post776706.html)

Báo Zing