Tổng thống Mỹ dường như không muốn chi thêm cho cuộc chiến ở Syria và Afghanistan, bất chấp cam kết với đồng minh, đối tác.
Trump phát biểu trước các lính Mỹ đồn trú ở Iraq hôm 26/12. Ảnh: Reuters. |
Chuyến thăm bất ngờ tới Iraq ngày 26/12 của Tổng thống Donald Trump được coi như "chuyến khải hoàn" của lãnh đạo nước Mỹ nhằm tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, Trump lại dành phần lớn thời gian trong chuyến thăm chiến trường đầu tiên này để bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của mình, trước những binh sĩ vẫn bám trụ ở Trung Đông để tiếp tục chống IS, theo Daily Beast.
"Chúng ta không còn là những kẻ khờ khạo nữa, các bạn", Trump nói trước khoảng 100 lính Mỹ, chủ yếu là các binh sĩ đặc nhiệm, tại căn cứ Al-Assad, ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Tổng thống Mỹ khẳng định các nước khác từ nay trở đi đừng hòng mong chờ Mỹ chiến đấu thay cho mình, trừ phi họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó. "Mỹ không thể tiếp tục làm cảnh sát toàn cầu", ông nói.
Ông cũng cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống IS, vì nó giờ đây đã được Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản. "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẽ xóa sổ tàn dư của IS ở Syria. Arab Saudi cũng vừa xuất hiện và nói họ sẽ chi tiền hỗ trợ phát triển kinh tế cho Syria. Đây là điều rất tốt, vì nó có nghĩa là chúng ta sẽ không phải chi tiền", Trump nói với các phóng viên trên đường tới Iraq.
Nhưng Trump không nhắc tới Anh và Pháp, hai đồng minh của Mỹ vẫn tuyên bố bám trụ ở Syria để tiếp tục chống IS. Bình luận viên Kimberly Dozier đặt câu hỏi liệu hai nước này có phải là những "gã khờ" mà Trump đề cập hay không. Tổng thống Mỹ cũng không nói gì đến dân quân người Kurd, lực lượng đã sát cánh bên Mỹ trong nhiều năm qua và đổ nhiều xương máu để đẩy lùi IS, nhưng giờ đây đang bị mắc kẹt trước gọng kìm của phiến quân và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng luôn coi họ là khủng bố cần tiêu diệt.
Trump hồi đầu năm ngoái đã tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria, nhưng sau đó thay đổi ý định, nhiều khả năng là do sự can ngăn của các tướng Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Nhưng ông giải thích cho quyết định bất ngờ và đầy cương quyết lần này rằng đã gia hạn cho "các tướng" nhiều lần về việc rút quân.
"Họ gần đây lại xin thêm thời gian, nhưng tôi nói không. Các ông không thể có thêm thời gian, vì đã có quá đủ rồi. Chúng ta đã đánh bại chúng", Trump nói với các binh sĩ. "Những nước khác cũng phải làm vậy. Lẽ ra họ phải chia sẻ gánh nặng chi phí với Mỹ, nhưng họ không chịu".
Nhưng với nhiều lính đặc nhiệm Mỹ mà Trump hướng tới trong cuộc trò chuyện, quyết định của Tổng tư lệnh không khiến họ bị thuyết phục, bởi nhiều người trong số họ đã sát cánh với dân quân người Kurd suốt những năm qua, cùng chia ngọt sẻ bùi trong những chiến dịch phối hợp chống phiến quân.
Bình luận viên Dozier cho rằng Trump và Đệ nhất phu nhân Melania xứng đáng được tôn trọng vì đã đích thân tới vùng chiến sự để thăm lính Mỹ dịp Giáng sinh, dù hành động này được ông thực hiện muộn hơn rất nhiều trong nhiệm kỳ so với hai người tiền nhiệm. Nhưng chuyến đi này của ông không giúp nhiều lính Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác của Washington trong khu vực cảm thấy yên tâm hơn.
Tổng thống Mỹ trao đổi với các chỉ huy lực lượng đồn trú ở Iraq. Ảnh: Reuters. |
Những lời giải thích của Trump về quyết định rút quân khỏi Syria cho thấy điều duy nhất khiến Tổng thống Mỹ quan tâm ở quốc gia này chỉ là những chi phí mà Mỹ phải bỏ ra, trong khi công sức, xương máu của các binh sĩ suốt nhiều năm qua cũng như cam kết với các đồng minh thân thiết đã bị ông gạt sang một bên. Trump cũng thể hiện rằng ông sẵn sàng giao lại Trung Đông, một trong những điểm nóng căng thẳng nhất trên thế giới, cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, trong khi Mỹ lui về phía sau để "không phải chi trả".
Trump tiếp tục nhắc đến vấn đề tài chính trong chuyến đi, khi than phiền rằng Mỹ đã đổ vào Trung Đông hơn 7.000 tỷ USD, nhưng chuyên cơ của ông khi tới đây vẫn phải "tắt đèn tối om" và phải thực hiện những biện pháp bảo mật nghiêm ngặt nhất để đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi không muốn bị lợi dụng thêm bởi những quốc gia đang dựa vào Mỹ và quân đội Mỹ để bảo vệ họ", Trump tuyên bố trên chuyên cơ Không lực Một. "Họ không trả tiền, nhưng giờ sẽ phải xùy tiền ra".
Các quan chức Iraq, quốc gia tuyên bố chiến thắng trước IS hồi cuối năm ngoái dưới sự hỗ trợ của Mỹ, khẳng định rằng phiến quân vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn ở nước này và họ ngày càng lo sợ rằng Tổng thống Trump một ngày nào đó cũng sẽ ra quyết định rút quân bất ngờ như ở Syria. Một quan chức cấp cao ở Baghdad cho rằng những tuyên bố "đậm mùi tiền" của Trump khiến nhiều lãnh đạo Iraq tin rằng họ cần phải dựa nhiều hơn vào Tehran, thay vì trông chờ vào lập trường "thay đổi như chong chóng" của Washington dưới thời Trump.
Nỗi lo sợ đó càng được củng cố khi Trump tuyên bố sẽ rút một nửa trong 14.000 quân đang đồn trú ở Afghanistan, quyết định khiến mọi công sức của Lầu Năm Góc trong hơn một thập kỷ qua nhằm đẩy lùi phiến quân Taliban trở nên "đổ sông đổ biển". Theo thống kê của Foreign Affairs, Taliban đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ ở Afghanistan và kiểm soát 250 trong tổng số 400 huyện thị ở quốc gia này.
Các tư lệnh Mỹ trong nhiều năm qua đã theo đuổi chiến lược làm suy yếu Taliban đến mức nhóm này phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, nhằm tạo lợi thế cho các nhà thương thảo của Mỹ và chính phủ Afghanistan trong các cuộc hòa đàm. Nhưng Trump dường như ngày càng mất kiên nhẫn trước chiến lược này và tỏ ra bực bội trước nạn tham nhũng trong chính phủ Afghanistan cũng như sự yếu kém của quân đội nước này trước Taliban.
"Mọi quốc gia trên thế giới phải tự quyết định về tương lai cho người dân và những hy sinh mà họ sẵn sàng đánh đổi cho con em mình", ông nói với các lính Mỹ. "Nước Mỹ sẽ không chiến đấu thay cho mọi quốc gia trên Trái đất".
Theo Dozier, Trump đáng được ghi nhận vì tìm cách chấm dứt những cuộc chiến không có hồi kết, sau khi gần 5.000 lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq và hơn 3.500 binh sĩ chết ở Afghanistan. Nhưng những tính toán và cách làm của Trump khi rút ra khỏi các cuộc chiến này khiến nước Mỹ trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi muốn xây dựng các liên minh để chống lại mối đe dọa mới.
Thay vì vạch ra một chiến lược toàn diện ở Trung Đông, Trump dường như chỉ đang thực hiện theo bản năng của mình là rút càng nhiều quân Mỹ về nước trong thời gian ngắn nhất càng tốt. Cách làm thiên về cảm tính này của Trump có thể bị các đối thủ lợi dụng trong tương lai để Mỹ duy trì càng ít hiện diện quân sự gần họ càng tốt, chẳng hạn như các lực lượng đồn trú ở châu Âu hay Hàn Quốc.
Có thể Trump cho rằng khi nước Mỹ phải đối mặt với những hậu quả tồi tệ từ các quyết định hiện nay, ông đã mãn nhiệm và nghỉ hưu. Nhưng rất nhiều lính Mỹ mà ông trò chuyện sau ngày Giáng sinh ở Iraq vẫn sẽ tiếp tục phục vụ trong quân đội, và họ sẽ nhớ lời ông nếu một ngày nào đó lại phải dấn thân vào chốn mưa tên bão đạn, Dozier viết.
Nỗi khổ của các tướng Mỹ trước quyết định rút quân của Trump Quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan được Trump đưa ra đột ngột đến mức các tướng không biết giải thích thế nào với ... |
Trump rút quân khỏi Syria sau cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tổng thống Mỹ được cho là đã vội vàng quyết định rút quân khỏi Syria mà không cần tham vấn các quan chức an ninh ... |
Vì sao Trump muốn rút quân chóng vánh khỏi Syria? Trump dường như muốn tránh xung đột trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khẳng định quyền lực của mình. |