Cuộc vận động cử tri của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm diễn ra ở cùng tiểu bang Pennsylvania và chỉ cách nhau vài giờ, theo Politico.
Bang Pennsylvania sẽ là "sàn đấu quyết định"
Trong gần bốn năm tại chức, Tổng thống Trump đã quy cho ông Obama nhiều trách nhiệm khác nhau: từ sự thiếu hụt thiết bị y tế để chống dịch Covid-19 đến các cáo buộc nghe lén điện thoại tại tháp Trump, thậm chí cựu tổng thống Mỹ còn bị đổ lỗi vì hệ thống điều hòa không khí của Nhà Trắng trục trặc.
Tổng thống Trump trong buổi họp mặt cử tri tại Pennsylvania hôm 20/10. Ảnh: New York Times. |
Vào tối 20/10, ông Trump đã có cơ hội thách thức trực tiếp người tiền nhiệm khi cuộc vận động cử tri của cả hai tại Pennsylvania diễn ra chỉ cách nhau vài giờ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã không đả động tới cựu tổng thống Obama.
Dù vậy, buổi gặp mặt người ủng hộ tại thành phố Erie của ông Trump vẫn mang tính biểu tượng sâu sắc, Politico nhận định.
Cụ thể, thành phố thuộc Pennsylvania là một trong ba địa phương từng ủng hộ ông Obama hồi 2012 song chuyển hướng và bầu cho ông Trump vào năm 2016. Theo Politico, điều này tượng trưng cho sự quay lưng của cử tri.
Trước đó, trong một buổi gặp mặt người ủng hộ ở Georgia, Tổng thống Trump từng nhắc lại việc các trợ lý nói với ông rằng người tiền nhiệm sẽ ủng hộ cho ông Biden nhiệt tình như cách ông từng ủng hộ bà Hillary Clinton vào năm 2016.
Theo lời ông Trump, khi các phụ tá báo “hung tin” rằng cựu tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cho chiến dịch của ông Biden, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng “ông ấy không phải là người giỏi trong việc vận động tranh cử, nên tôi nghĩ đó là tin tốt chứ không phải tin xấu”.
Vào tối 20/10, trước đám đông hàng nghìn người ủng hộ hô vang khẩu hiệu “Thêm bốn năm nữa!”, tổng thống Mỹ thứ 45 đã không ngần ngại đề cập đến những đối thủ của mình, ngoại trừ ông Obama.
Trên thực tế, giới quan sát nhận định rằng việc cả ông Trump lẫn cựu Tổng thống Obama đều có mặt tại Pennsylvania là điều có thể đoán trước, bởi đây là một trong những bang tác động trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 3/11.
“Chiến thắng tại Pennsylvania đồng nghĩa với thắng cả cuộc đua”, tổng thống Mỹ đương nhiệm tuyên bố với đám đông ủng hộ vào hôm 20/10.
“Đây không phải quê nhà của Biden”, Tổng thống Trump khẳng định. “Ông ấy bỏ đi từ lâu nhưng vẫn thích nhận nơi này là quê nhà của mình. Không, không phải vậy. Trong khi đó, tôi từng theo học đại học tại Pennsylvania, và đó là sự thật”.
Vào năm 2016, nhiều cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động ở Pennsylvania cảm thấy thất vọng với đảng Dân chủ và bị lôi kéo bởi những lời cam kết về giải quyết thất nghiệp của ông Trump nên đã bầu cho ứng viên của đảng Cộng hòa.
Sau khi ông Trump đắc cử, tỷ lệ thất nghiệp tại Pennsylvania đã giảm trong giai đoạn cuối 2017 - đầu 2018. Nhưng khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn cao hơn so với trước khi Tổng thống Trump nắm quyền.
Tuy nhiên, các trợ lý và đồng minh của ông Trump vẫn tin tưởng rằng người đàn ông 74 tuổi sẽ giành chiến thắng tại Pennsylvania trong cuộc bầu cử năm nay nhờ vào tầm nhìn kinh tế bao gồm việc cắt giảm thuế và các thỏa thuận thương mại.
“Kể từ năm 2016, Donald Trump không hề thay đổi chút nào”, cựu Hạ nghị sĩ Lou Barletta nhận xét. “Ông Trump hiện tại vẫn giống hệt người đàn ông đã giành chiến thắng ở Pennsylvania hồi 2016. Nhưng đảng Dân chủ đã thay đổi, và họ không giành được sự ủng hộ tại bang này”.
Trong 4 năm gần đây, đảng Cộng hòa đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm gia tăng ảnh hưởng đối với Pennsylvania. Buổi tiếp xúc cử tri mới nhất của ông Trump tại đây được cho là một phần tiếp nối kế hoạch đó.
Về phía đảng Dân chủ, theo một quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng đã áp dụng nhiều kế hoạch truyền thông tại Pennsylvania, bao gồm cả những khu vực cử tri ủng hộ Tổng thống Trump một cách nhiệt thành.
Bên cạnh đó, phu nhân cựu phó tổng thống Mỹ là bà Jill Biden đã hai lần ghé thăm Philadelphia thuộc Pennsylvania vào tháng 9. Đối tác tranh cử của ông Biden là Thượng nghị sĩ Kamala Haris cũng thực hiện điều tương tự.
Được biết, những chuyến thăm này hướng tới việc đẩy mạnh truyền thông cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và kết nối với cử tri địa phương.
Tuy nhiên, với sự trùng hợp diễn ra hôm 20/10, sự ganh đua tại Pennsylvania chuyển trọng tâm sang Tổng thống Trump và ông Obama, Politico nhận định.
Khi tổng thống Mỹ thứ 45 công khai ủng hộ ông Biden, người đứng đầu Nhà Trắng bắt đầu công kích người tiền nhiệm dữ dội hơn.
Tổng thống Trump đã chỉ trích ông Obama về nhiều vấn đề, bao gồm việc tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran, thờ ơ trước thực tế người nhập cư vượt biên trái phép vào Mỹ, đồng thời gia nhập vào “một thỏa thuận thương mại không công bằng”. Ông Trump thậm chí từng khẳng định cựu Tổng thống Obama không xứng đáng nhận giải Nobel hòa bình.
Ông Trump cũng thường trích lại kết quả thăm dò của Gallup rằng 56% người Mỹ cho biết họ cảm thấy cuộc sống hiện tại tốt hơn so với 4 năm trước, thời điểm cựu Tổng thống Obama và ông Biden nắm quyền.
Obama phản công
Ông Obama chỉ trích ông Trump che giấu việc kinh doanh của mình ở Trung Quốc. “Chúng ta biết rằng ông tiếp tục làm ăn với Trung Quốc, vì ông ta có tài khoản ngân hàng bí mật ở Trung Quốc. Như vậy là sao nhỉ?”, ông phát biểu, nhắc tới bài điều tra của New York Times hé lộ những lợi ích tài chính chưa được công khai của ông Trump ở Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu tại buổi vận động ở bãi đỗ xe ở Philadelphia ngày 21/10. Ảnh: New York Times. |
“Sẽ không tốt nếu chúng ta có một tổng thống nợ tiền nhiều người ở nước ngoài”, ông Obama nói. Ông nói mình trả nhiều tiền thuế khi làm nhân viên tiệm kem hồi trung học hơn là ông Trump trả trong hai năm đầu làm tổng thống - chỉ 750 USD mỗi năm.
Bài phát biểu vốn được trông đợi này của ông Obama là bài đầu tiên trong một loạt phát biểu của ông nhằm vận động cho chiến dịch Biden - Harris hai tuần tới, đánh dấu sự thay đổi so với quan điểm trước của ông là không chỉ trích đích danh người kế nhiệm.
Phát biểu của ông vẫn có những đoạn cao trào truyền cảm mang “thương hiệu” Obama, nhưng dường như cũng đã vượt ngoài ranh giới của phương châm “tử tế hơn, lịch thiệp hơn” mà cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đặt ra vào năm 2016: “Khi họ chơi thấp hèn, ta chơi cao thượng”.
“Nhân tiện, lượng khán giả truyền hình của ông ta đã giảm”, cựu tổng thống châm chọc ông Trump.
Ông nói ông Trump đã chứng tỏ mình “không coi trọng chức vụ tổng thống”. “Đây không phải truyền hình thực tế. Mà đây là thực tế”, ông Obama nói.
“Và tất cả chúng ta phải sống với hậu quả của ông ta, vốn đã chứng tỏ mình không có khả năng coi trọng chức tổng thống”.
Trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Nevada vào tháng 9, đám đông thậm chí còn hô vang “nhốt ông ta lại” để ủng hộ lời cáo buộc của Tổng thống Trump về việc ông Obama từng “do thám” chiến dịch tranh cử của mình hồi 2016.
Ông Obama chỉ trích nhiệm kỳ của ông Trump và những hành xử gây kích động, thể hiện sự tương phản với ông Biden.
“Đại dịch đã xảy ra được 8 tháng, số ca lại tăng lại ở Mỹ”, ông nói. “Donald Trump sẽ không đột nhiên có khả năng bảo vệ được chúng ta. Ông ta còn không làm được những điều cơ bản để bảo vệ chính mình”.
Cựu tổng thống cũng nhắm tới câu của ông Trump ngày 20/10 nói mình sẽ không tới vận động ở Pennsylvania nếu chiến dịch không gặp khó khăn.
“Tổng thống dành ít thời gian ở Erie (bang Pennsylvania) tối qua và rõ ràng đã phàn nàn về việc phải đi tới đó”, ông Obama cười nói. “Rồi ông ta cắt ngắn sự kiện. Tội nghiệp ông ta. Tôi thì không cảm thấy vậy, tôi thích đến Pennsylvania”.
Phóng viên (t/h)
Obama lấp đầy khoảng trống tranh cử của Biden, đối đầu kịch liệt với Trump |
Obama, Clinton mong Trump nhanh hồi phục |
Thư của Bush cha và Obama khi chuyển giao quyền lực |