Mới đây, trong một bài phát biểu tại Chicago, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ khôi phục "giấc mơ Mỹ", trong bối cảnh ông tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024. Theo đó, ông Biden đặt cược vào chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ mang tên Bidenomics.
- Vì sao Tổng thống Mỹ Joe Biden phải sử dụng máy trợ thở khi ngủ?
- Tổng thống Biden lại nhầm lẫn, nói 'ông Putin đang thua trong chiến tranh Iraq'
Hướng tới ba trụ cột chính
Trong bài phát biểu dài nửa giờ đồng hồ tại Chicago, bang Illinois hôm 28/6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: "Bidenomics chính là tương lai. Bidenomics chỉ là một cách khác để nói rằng hãy khôi phục giấc mơ Mỹ. Điều quan trọng là nền kinh tế Mỹ sẽ đi theo chiếc lược từ giữa ra ngoài và từ dưới lên trên, thay vì chỉ từ trên xuống. Bidenomics sẽ giúp người nghèo có cái thang để đi lên và người giàu vẫn làm tốt việc của họ".
Theo Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton, Bidenomics chính là thông điệp tranh cử của Tổng thống Biden trong cuộc chạy đua vào năm 2024. Bà Dalton nêu rõ: "Bidenomics là từ khóa ngày, tuần, tháng và thậm chí cả năm nay của Nhà Trắng".
Được biết, Reaganomics là bản chiến lược nổi tiếng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ronald Reagan những năm 1980, ủng hộ cho việc giảm thuế hoặc tạo ra các lợi ích tài chính khác cho các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và doanh nhân để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trái lại, Bidenomics đặt niềm tin vào việc tăng trưởng kinh tế khi phát triển tầng lớp trung lưu.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Lael Brainard nhận định: "Tổng thống Biden không còn thấy sự phù hợp của kinh tế học nhỏ giọt Reaganomics trong bối cảnh hiện nay và chính phủ cần thay đổi hoàn toàn con đường cũ".
Một thông cáo từ Nhà Trắng nêu rõ, Bidenomics tập trung vào ba trụ cột chính gồm: đầu tư công, đào tạo cho người lao động và thúc đẩy cạnh tranh.
Cụ thể, với đầu tư công, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và chất bán dẫn. Về việc đào tạo cho người lao động, chính quyền sẽ thực hiện các bước để trang bị tốt cho họ các kỹ năng làm những công việc của tương lai, trong đó có cả những việc không cần bằng đại học. Cuối cùng, Bidenomics sẽ tập trung vào việc thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Cú hích nhằm lật ngược thế cờ?
Kết quả một cuộc thăm dò mà Washington Post thực hiện hồi tháng 5 vừa qua chỉ rõ, cựu Tổng thống Donald Trump - hiện là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và có khả năng là đối thủ tái đấu ông Biden vào năm 2024.
Vào năm 2017, ông Donald Trump đã ký ban hành "Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm", nhằm giảm thuế đáng kể cho các tập đoàn và phần lớn các hộ gia đình Mỹ.
Với Bidenomics, giới chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Joe Biden mang lại sự tương phản lớn với chiến lược mà ông Donald Trump từng áp dụng. Theo AFP, Bidenomics không chỉ là một chiến lược kinh tế. Nếu nó phát huy hiệu quả, đây chính là một lộ trình chính trị tiềm năng để giành được sự ủng hộ của những khu vực cử tri thường dao động giữa hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Lael Brainard lý giải, việc áp dụng học thuyết nhỏ giọt quá lâu đã khiến nhiều thành phố công nghiệp của Mỹ thoái trào khi các công ty đi thuê nhân lực giá rẻ hơn từ bên ngoài và từ bỏ các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng.
Bà Brainard nhấn mạnh, chính sách phát triển công nghiệp nặng mới của ông Biden vốn đang sử dụng tài trợ của chính phủ, sẽ là một chất xúc tác cho "sự bùng nổ chi tiêu của khu vực tư nhân trong xây dựng sản xuất".
Được biết, vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đua, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến thực hiện bước đi để "luật thuế công bằng với tất cả mọi người". Điều này hàm ý rằng ông Biden có thể khôi phục kế hoạch tăng thuế với người giàu và doanh nghiệp lớn nếu ông tái đắc cử và đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Biden vẫn nhận được sự ủng hộ vì tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đã có hơn 13 triệu việc làm được tạo ra trong thời gian ông Biden tại nhiệm. Tuy nhiên, lạm phát, mặc dù đã giảm chậm trong 11 tháng liên tiếp từ mức cao nhất sau đại dịch, vẫn là một mối lo ngại lớn của cử tri nước Mỹ.
Do đó, liệu Bidenomics có giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri hay không còn là điều khó đoán. Được biết, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, cơ quan này có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm trong năm nay để đối phó lạm phát.