Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/12 thừa nhận đất nước đang rơi vào tình trạng khẩn cấp về kinh tế trong bối cảnh làn sóng biểu tình đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn suốt gần một tháng qua.
“Hôm nay, chúng tôi buộc phải thừa nhận nó. Hôm nay, tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế ở Pháp”, ông Macron nói trong bài phát biểu trước toàn thể công chúng Pháp vào 20h tối 10/12.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp được đưa ra sau 4 tuần biểu tình liên tiếp của phong trào “Áo vàng” nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu và các chính sách kinh tế mà họ gọi là ủng hộ người giàu. Làn sóng biểu tình lan rộng ra toàn nước Pháp đã trở thành bạo động, khiến cảnh sát đã phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để trấn áp những kẻ quá khích.
“Không có lời biện minh nào cho sự tức giận và tất cả những cuộc đụng độ dữ dội đó”, ông Macron nói, nhưng thừa nhận công chúng có quyền phẫn nộ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: ABS-CBN)
Ông tuyên bố mức lương tối thiếu sẽ tăng thêm 113 USD/tháng bắt đầu từ tháng 5/2019, cam kết bỏ thuế đối với lao động làm thêm ngoài giờ và đề ra mức thuế đặc biệt với những người có thu nhập ít hơn 2.270 USD/tháng.
Nhà lãnh đạo Pháp nói thêm rằng ông đã ra lệnh cho Thủ tướng xem xét các đề xuất cho phép các doanh nghiệp và các tầng lớp giàu có nhất trong xã hội đóng góp vào chương trình quốc gia hỗ trợ kinh tế, nhưng từ chối gọi đó là “thuế nhà giàu”.
Ông Macron năm 2017 xóa bỏ thuế tài sản đối với người thu nhập cao (gọi tắt ISF), gây ra làn sóng chỉ trích trong công chúng và các chính trị gia đối lập. Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo phe cánh tả gọi ông Macron là Tổng thống của người giàu" vì quyết định này.
Trong bài phát biểu hôm 10/12, ông Macron vẫn bảo về lập trường của mình về vấn đề này khi nói rằng “thuế người giàu” không thực sự giúp ích cho nước Pháp.
Ông cũng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm về tình trạng nghèo nàn hiện nay, nhấn mạnh mức sống đã sụt giảm trong khoảng 40 năm trong bối cảnh chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, khoét sâu căng thẳng xã hội. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng không thể khắc phục những điều này trong vài năm gần đây.
“Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ như cắt giảm thuế nhanh hơn, kiểm soát chi tiêu những không phải chỉ với một cú quay đầu”, ông Macron nhấn mạnh.
Bài phát biểu dài 13 phút của Tổng thống Pháp sau đó nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.
Nhiều người không mấy tin vào những lời hứa hẹn này, thậm chí còn bi quan cho rằng chúng sẽ không mang lại bất cứ thay đổi nào mà còn làm tồi tệ hơn tình hình.
“Trong 13 phút, ông ấy đã phân phối tiền mà không đưa ra bất cứ cải cách kinh tế nào”, một tài khoản Twitter viết, cho rằng cách tiếp cận như vậy là vô trách nhiệm.
Một số ý kiến gọi bài phát biểu của ông Macron là chiến thắng cho phong trào Áo vàng.
“Sau vài tuần, Phong trào Áo vàng đã có được những gì mà các công đoàn không thể có được sau 30 năm”, một người dùng Twitter bình luận.
Tuy nhiên cũng có một số người ca ngợi nhà lãnh đạo Pháp vì sự nỗ lực của ông khi đưa ra quyết định dũng cảm này.
Ông Macron sẽ sớm đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt phong trào "Áo vàng" Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sớm công bố các biện pháp mạnh mẽ và ngay lập tức để chấm dứt làn sóng biểu tình ... |
Paris tan hoang sau bạo loạn và cơn ác mộng của Macron Hàng nghìn “áo khoác vàng” dậy sóng ở Khải Hoàn Môn không chỉ khởi đầu cho cuộc chiến đòi phúc lợi của người dân Pháp ... |
Những người biểu tình ở Pháp ra sao sau khi bị bắt? Trong tuần biểu tình thứ tư liên tiếp của những người Áo khoác vàng, hôm 8/12 khoảng 1.700 người bị bắt trên toàn nước Pháp. |
Macron nhượng bộ, nhưng phong trào "áo khoác vàng" sẽ còn đeo bám ông Cuộc biểu tình của phong trào "áo khoác vàng" đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của tổng thống Pháp và ông Macron có ... |