Trong một tuyên bố mới đây Tổng thống Mỹ Biden khẳng định sẽ không chuyển giao cho Ukraine các tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Nga.

Phát biểu trước truyền thông ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói nước này sẽ không viện trợ cho Ukraine các hệ thống tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Nga. Tuyên bố này được đưa ra khi có thông tin cho thấy Washington sẽ gửi các hệ thống pháo phản lực (MLRS) đến Ukraine.

"Chúng tôi sẽ không viện trợ cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể vươn tới Nga", ông Biden nói với các phóng viên khi trở lại Nhà Trắng sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Hiện không rõ ông Biden đang đề cập đến hệ thống tên lửa nào trong tuyên bố trên.

Các quan chức Ukraine trước đó đã nhiều lần đề nghị Mỹ viện trợ thêm cho nước này các hệ thống pháo phản lực có khả năng triển khai tên lửa tấn công chiến thuật.

Tổng thống Mỹ từ chối gửi các tên lửa tấn công tầm xa cho Ukraine - 1

Chính quyền của ông Biden lo ngại Ukraine sẽ sử dụng các hệ thống MLRS tấn công vào lãnh thổ Nga, từ đó có thể kéo Mỹ vào cuộc xung đột. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Cuối tuần trước CNN và The Washington Post đều đồng loạt đưa tin cho rằng chính quyền của ông Biden đang nghiêng về khả năng viện trợ Ukraine các hệ thống pháo phản lực mà họ yêu cầu. Cụ thể hơn là các hệ thống M142 HIMARS.

Các nguồn tin của CNN cho biết, điểm khiến Nhà Trắng lưỡng lự khi chuyển giao HIMARS cho Ukraine đó là hệ thống này có tầm bắn lên đến 300 km với phiên bản tên lửa đất đối đất chiến thuật ATACMS. Trong khi đó các phiên bản rocket thông thường chỉ có tầm bắn khoảng 30-70km.

Ngoài HIMARS, quân đội Mỹ còn có một hệ thống MLRS khác là M270 sử dụng khung gầm bánh xích, xét về khả năng cơ động rõ ràng không thể bằng HIMARS với khung gầm bánh lốp (6x6). Một điểm khác là HIMARS có thể được vận chuyển bằng các máy bay vận tải quân sự từ Mỹ thẳng đến gần biên giới Ukraine.

Mỗi hệ thống HIMARS hoặc M270 có thể mang theo cụm ống phóng 12 nòng hay một đạn tên lửa ATACMS. Mỗi dàn phóng di động được vận hành bởi ba binh sĩ kể cả lái xe.

Theo lục quân Mỹ, các hệ thống MLRS với những loại đạn đa dạng về tầm bắn, giúp tấn công các mục tiêu giá trị cao trong những môi trường mở, đô thị hoặc phức tạp.

Ngay cả khi được trang bị rocket không dẫn đường, M270 và HIMARS được đánh giá là có độ chính xác cao hơn so với các loại pháo phản lực mà Ukraine đang sở hữu.

Với khả năng tác chiến của HIMARS, Ukraine hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống vũ khí này tấn công vào các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga.

Chính quyền Ukraine thời gian qua đã hối thúc phương Tây cung cấp thêm cho họ vũ khí tầm xa hơn để họ có thể xoay chuyển được tình thế trong cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 4.

https://vtc.vn/tong-thong-my-tu-choi-gui-cac-ten-lua-tan-cong-tam-xa-cho-ukraine-ar679732.html

TRÀ KHÁNH(Nguồn: Reuters) / VTC News