Những cảnh báo mới nhất đã được Nga đưa ra nhắm thẳng đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan tới những tuyên bố của lãnh đạo khối này về xung đột tại Ukraine. Những diễn biến quân sự của NATO nếu như không được thực hiện một cách thận trọng, có thể đẩy mối quan hệ với Nga và thậm chí là mối quan hệ giữa chính các nước thành viên trở nên xấu đi nghiêm trọng.

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức ngày 28/5 (giờ địa phương) trong một tuyên bố chung cho rằng Ukraine cần được phép sử dụng vũ khí do nước phương Tây cung cấp để tấn công các vị trí quân sự bên trong lãnh thổ Nga, những nơi mà các tên lửa Nga đã được bắn về phía lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine không được tấn công các địa điểm khác. Phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại lâu đài Meseberg ở Gransee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, quyết định trên sẽ không khiến xung đột hiện nay ở Ukraine leo thang.

-nh.jpeg -0
Những tuyên bố mới nhất của NATO về xung đột tại Ukraine đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho biết ông đã nhất trí với Tổng thống Macron và rằng chừng nào Ukraine tôn trọng những điều kiện mà các nước cung cấp vũ khí (gồm cả Mỹ), cũng như luật pháp quốc tế, Kiev cần được phép tự vệ. Đây được coi là phát biểu trực diện nhất của lãnh đạo phương Tây về "quyền đáp trả" của Ukraine, điều mà NATO đã né tránh và tranh luận trong thời gian rất dài.

Trước đó, hôm 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố kêu gọi các quốc gia NATO ủng hộ "quyền quốc tế" của Ukraine để tự bảo vệ mình bằng cách dỡ bỏ "một số hạn chế" đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích đây là "hành động tự vệ" nhằm đáp trả những bước tiến của quân đội Nga ở hướng Kharkov trong thời gian gần đây. Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí quan trọng cho Ukraine và hơn 200 đại diện của các quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tuyên bố này. Trước đó, vào giữa tháng 5, tờ New York Times đã đưa tin một số thành viên NATO đang bí mật thảo luận về kịch bản triển khai huấn luyện viên quân sự hoặc nhà thầu đến Ukraine để huấn luyện cho binh sĩ và hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí.

Giới quan sát lo ngại rằng, những tuyên bố và động thái mới từ phía NATO có thể là bước leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Ngày 28/5 (giờ địa phương), phản ứng trước những động thái của các lãnh đạo NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các nước thành viên NATO châu Âu đang "đùa với lửa" khi đề xuất cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, mà theo ông, có thể kích hoạt một cuộc xung đột toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga nhận định, các nước nhỏ ở châu Âu kêu gọi tấn công trực tiếp vào Nga nên nhớ rằng việc này đang tạo thành những đe dọa mới. Trên thực tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu liên quan đến vấn đề Ukraine. Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Moscow coi phát biểu của ông Stoltenberg là lập trường chính thức của toàn bộ khối quân sự và Nga sẽ phản ứng tương ứng.

Trong khi đó, trong nội bộ NATO, những bất đồng cũng đang tồn tại, với việc chính phủ Italia đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni trong một tuyên bố bày tỏ: "Tôi không hiểu tại sao ông Stoltenberg lại nói như vậy. Tôi đồng ý rằng NATO phải giữ vững lập trường và không thể hiện dấu hiệu yếu kém. Nhưng đã có nhiều tuyên bố đáng nghi ngờ, trong đó có cả từ Tổng thống Pháp. Tôi đề nghị mọi người nên thận trọng hơn". Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani tỏ ra thận trọng hơn bằng cách chỉ trích việc ông Stoltenberg công bố vấn đề mà các quốc gia thành viên chưa thống nhất: "Chúng tôi là một phần không thể thiếu của NATO, nhưng mọi quyết định phải được đưa ra với sự thống nhất chung". Điều đáng lưu ý là Italia không phải là nước duy nhất trong NATO bày tỏ quan ngại. Hôm 24/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định không muốn tham gia vào hoạt động quân sự của NATO tại Ukraine. Phát biểu trên đài phát thanh Kossuth, Thủ tướng Orban cho biết các nhóm công tác đang soạn thảo kế hoạch để NATO có thể tham gia vào xung đột tại Ukraine. Hungary phản đối điều này và nhấn mạnh chính phủ Hungary đang tìm cách để vừa đảm bảo là thành viên NATO mà không phải tham gia vào xung đột. Hungary cũng đang đánh giá lại vai trò của nước này trong NATO, bởi Budapest không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong diễn biến có liên quan, vào ngày 23/5, thiết bị bay không người lái (UAV) được phóng từ Ukraine đã tấn công một trạm radar chiến lược ở Armavir, nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đây không phải là lần đầu tiên các cơ sở hạt nhân ở Nga bị nhắm mục tiêu và tấn công, nhưng nó cho thấy một bước leo thang đáng kể, có thể dẫn đến sự trả đũa của Nga đối với các nhà cung cấp NATO hoặc thậm chí là phản ứng hạt nhân của Nga. Đặc biệt là vụ tấn công cũng xảy ra vào thời điểm người đứng đầu cơ quan biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Vladimir Kulishov cho biết NATO đang huấn luyện tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí hạt nhân gần biên giới nước này. Quan chức này nói thêm rằng, tình hình trên đòi hỏi Moscow phải thực hiện các động thái thích hợp để bảo vệ và đảm bảo an ninh biên giới của đất nước. Những cảnh báo của Nga đã được đưa ra liên tiếp thời gian qua và có lẽ sẽ không còn là cảnh báo đơn thuần nếu NATO tiếp tục có động thái leo thang trong xung đột tại Ukraine.

https://cand.com.vn/Quoc-te/tong-thong-putin-canh-bao-nato-dung-dua-voi-lua--i732733/

Bảo Hân / cand.com.vn