Trong khi phương Tây quả quyết chiến dịch của Nga ở Ukraine gây ra lạm phát diện rộng, thì Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các hành động thiếu trách nhiệm nhiều năm của G7 mới là nguyên nhân.
- G7 tăng cường trừng phạt lên "huyết mạch kinh tế Nga"
- G7 cam kết cấm hoặc loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga
"Tôi nhấn mạnh rằng lạm phát tăng mạnh không bắt đầu từ hôm qua. Đó là hệ quả từ chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm trong nhiều năm của các nước G7", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp của nhóm BRICS diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm 24/6, Anadolu đưa tin.
Lãnh đạo các nước BRICS hội đàm bên lề Hội nghị G20 hồi năm 2019. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga cũng cho rằng, tình hình lạm phát trên toàn cầu còn do tác động của đại dịch COVID-19, khi cả nguồn cung lẫn nguồn cầu hàng hóa, dịch vụ đều giảm chóng mặt.
G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Italia và Canada. Nhóm này từng có tên G8 với Nga là một thành viên, nhưng Moscow đã bị loại vào năm 2014 dưới áp lực của Mỹ, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trong khi đó, BRICS, có tên gọi là Nhóm các nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hội nghị BRICS đang diễn ra là lần đầu tiên Tổng thống Putin phát biểu tại một sự kiện có đông đảo nguyên thủ các cường quốc từ thời điểm xung đột ở Ukraine nổ ra.
Giá ngũ cốc đang neo ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu. Ảnh: Getty Images
Trong lúc tiếp tục gây áp lực đối với Nga, phương Tây đang trải qua đợt lạm phát tăng đột biến. Tại Mỹ, lạm phát tăng 8,6%, trong khi tại Anh, lạm phát là 9,1% và ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1% hồi tháng 5 vừa qua, theo Financial Times.
Suốt vài tháng qua, lãnh đạo các nước phương Tây tập trung đổ lỗi lạm phát và sự tăng giá các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có lương thực, là vì chiến dịch của Nga. Đại diện các nước G7 gần đây tiếp tục cho rằng Nga cần dỡ bỏ phong tỏa để Ukraine xuất ngũ cốc.
Đáp lại quan điểm này, Tổng thống Putin khẳng định, Nga không gây ra bất kỳ trở ngại nào đối với việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.
Nga là quốc gia xuất khẩu phân bón và lương thực hàng đầu thế giới. Ông Putin cho rằng, chính phương Tây đã "gây bất ổn sản xuất nông nghiệp toàn cầu" khi cấm vận chuyển phân bón từ Nga và Belarus; đồng thời ngăn Moscow xuất ngũ cốc thông qua các lệnh cấm vận.
"Giá nông sản tăng, như ngũ cốc, ảnh hưởng đến các nước đang phát triển khó khăn nhất, các thị trường đang phát triển nơi bánh mì và bột mì là những phương tiện sinh tồn cần thiết cho phần lớn dân số", ông chủ Điện Kremlin nêu quan điểm.
Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn đói nghiêm trọng
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 24/6 cảnh báo thế giới đang "đối mặt với khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có" do chiến sự tại Ukraine đã làm "phức tạp thêm những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm qua như biến đổi khí hậu, COVID-19 và tình trạng phục hồi không đồng đều".
Theo đánh giá dựa trên thang đo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ, hơn 460.000 người dân ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói ăn, trong khi đó hàng triệu người tại 34 quốc gia khác đang trên bờ vực của nạn đói.
IPC là thang đo được các cơ quan của LHQ, các tổ chức khu vực và các nhóm viện trợ sử dụng để xác định tình trạng mất an ninh lương thực.
Ông Guterres nhận định, không có giải pháp hữu hiệu nào ngay lúc này cho cuộc khủng hoảng trừ khi Nga và Ukraine, hai quốc gia cung cấp gần 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, tìm ra cách hợp lý để nối lại hoạt động thương mại.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây nỗ lực làm trung gian đàm phán với Nga và Ukraine về phương án dỡ phong tỏa Biển Đen hoặc triển khai đội tàu hộ tống tàu chở ngũ cốc qua khu vực này. Ukraine hiện chưa cho thấy họ sẵn sàng ủng hộ nỗ lực của Ankara.