Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/6 nhấn mạnh rằng, việc ông triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là một lời nhắc nhở với phương Tây rằng họ không thể gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga.

JCMJI2NKLJJGVK5QZHTVRTAL3I-1686961168360
Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trong một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg, Nga, ngày 16/6.

Phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg (SPIEF) ở St Petersburg, ngày 16/6, ông Putin cho biết, các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga đã được chuyển giao cho đồng minh thân cận Belarus, nhưng nhấn mạnh rằng, ông thấy Nga không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này.

“Như các bạn đã biết, chúng tôi đang đàm phán với đồng minh của mình (Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko) rằng, chúng tôi sẽ chuyển một phần vũ khí hạt nhân chiến thuật này tới lãnh thổ Belarus và điều này đang được tiến hành”, ông Putin phát biểu: “Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển đến lãnh thổ Belarus. Nhưng chỉ những quả đầu tiên, phần đầu tiên. Chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm nay”.

Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai các đầu đạn như vậy (vũ khí hạt nhân tầm ngắn có khả năng được sử dụng trên chiến trường) bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, động thái mà các quan chức Nga khẳng định là nhằm cảnh báo phương Tây về việc trang bị vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine.

“Đó chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai đang nghĩ đến việc gây ra một thất bại chiến lược đối với chúng tôi”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Belarus hôm 13/6 cũng xác nhận, nước này đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, trong đó có loại có sức mạnh gấp ba lần so với những quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945.

Nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 3 tuyên bố, ông đã đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, viện dẫn việc Mỹ triển khai vũ khí như vậy ở một loạt nước châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Mỹ đã chỉ trích quyết định của ông Putin nhưng nhấn mạnh, Washington không có ý định thay đổi lập trường của mình về vũ khí hạt nhân chiến lược và không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bước đi của Nga đang được theo dõi chặt chẽ bởi Washington và các đồng minh cũng như Trung Quốc, quốc gia đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tiến Anh / CAND