Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế trả đũa nhằm đáp trả "các hành động không thân thiện của một số quốc gia và tổ chức quốc tế".
- Nga nói đang thỏa thuận với Ukraine về việc dỡ trừng phạt, Kiev phủ nhận
- EU thừa nhận biện pháp trừng phạt Nga không có tác dụng
- Mỹ dọa trừng phạt nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga
Theo sắc lệnh mới, Nga sẽ cấm xuất khẩu nhiều sản phẩm và nguyên liệu thô cho những cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt.
Đồng thời, Moskva cho phép các đối tác của Nga không thực hiện nghĩa vụ trong các thỏa thuận với đối tượng bị trừng phạt.
Chính phủ Nga dự định dùng 10 ngày để lập danh sách các cá nhân và công ty nước ngoài bị xử phạt, cũng như xác định "tiêu chí bổ sung" cho một số giao dịch có thể bị hạn chế.
Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về những cá nhân hoặc tổ chức có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa từ Moskva.
Trước đó, Tổng thống Putin đã cảnh báo phương Tây rằng Nga sẽ phản ứng “nhanh như chớp” đối với bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và gây ra “mối đe dọa chiến lược đối với Nga”.
“Chúng tôi có tất cả các công cụ để đáp trả... chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết", ông Putin nói.
Dự kiến, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga hôm 3/5 và bắt đầu tranh luận vào ngày 4/5. Thỏa thuận chính thức về các biện pháp trừng phạt mới có thể được đưa ra trong tuần.
Hôm 2/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận xét rằng: "Gói trừng phạt này nên bao gồm các bước rõ ràng để chặn nguồn thu từ năng lượng của Nga".
Ông Josef Borrell, cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, cho biết thêm rằng gói trừng phạt mới sẽ loại thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trước đó, các nước EU đã cấm 7 ngân hàng Nga dùng SWIFT để nhận hoặc chuyển khoản quốc tế.
Ngoài ra, cuối tháng này Ủy ban châu Âu có dự định công bố kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu khí đốt của Nga vào năm 2027 - bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ xây dựng để tiêu thị ít năng lượng đi. Tuy nhiên, Nga vẫn đang cung cấp 40% khí đốt và 30% dầu mỏ cho Liên minh châu Âu. Vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kế hoạch của EU là rất tham vọng và không dễ đạt được.