Theo Kyiv Independents ngày 28-10, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến Iceland tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Bắc Âu lần thứ tư và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khu vực này.
- Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình có thể phản tác dụng với Ukraine
- Hội nghị thượng đỉnh hoà bình Ukraine kết thúc với nhiều quan điểm khác biệt
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Zelensky tới Iceland. Ông sẽ gặp Thủ tướng các nước Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.
"Các nước Bắc Âu là đồng minh có nguyên tắc và kiên quyết của chúng tôi. Nền tảng Ukraine - Bắc Âu là một trong những định dạng đa phương hiệu quả nhất của chúng tôi", ông Zelensky phát biểu trên mạng xã hội X.
Theo Tổng thống, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào sự hỗ trợ quốc tế cho kế hoạch chiến thắng năm bước của Ukraine cũng như "việc tài trợ cho sản xuất vũ khí và năng lực tầm xa của Ukraine, các nỗ lực chuẩn bị cho mùa đông, an ninh hàng hải, hạn chế hạm đội ngầm của Nga, tăng cường hỗ trợ quốc phòng, cung cấp đào tạo và trang thiết bị cho lực lượng Ukraine".
Tổng thống Ukraine cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc hội Iceland và tham dự phiên họp của Hội đồng Bắc Âu, một nhóm hợp tác liên nghị viện của các nước Bắc Âu.
Trước đó, ông Zelensky đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Bắc Âu lần thứ ba được tổ chức tại Stockholm vào tháng 5 .
Trong diễn biến liên quan, sau nhiều ngày thảo luận, Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) - lực lượng giám sát chống rửa tiền hàng đầu thế giới, đã quyết định không đưa Nga vào danh sách đen bất chấp những nỗ lực từ Kiev nhằm thuyết phục các thành viên.
FATF, tổ chức giám sát các hoạt động tài chính bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga vào tháng 2-2023 do hành vi của Mátxcơva với các quốc gia nằm trong danh sách đen và tội phạm mạng.
Tổ chức quốc tế này họp tại Paris từ ngày 22 đến 25-10 để thảo luận về những quốc gia nào nên được đưa ra khỏi danh sách xám và đen. Nhưng trong khi FATF duy trì lệnh đình chỉ của Mátxcơva, họ đã không đưa hình phạt này tiến thêm một bước.
FATF lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng tổ chức này yêu cầu sự đồng thuận hoàn toàn từ 40 thành viên để đưa Nga vào danh sách cấm. Một số quốc gia, như Nam Phi và Brazil, đã tiếp cận Nga một cách thân thiện hơn so với các đối tác phương Tây.
https://hanoimoi.vn/tong-thong-zelensky-du-hoi-nghi-thuong-dinh-ukraine-bac-au-682795.html