Hãng tin RT dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đề xuất mở rộng Hội đồng Bảo an đang được các bên thảo luận một cách nghiêm túc

Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres cũng nhận định đề xuất của các nước phương Tây về hạn chế quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (chủ yếu nhằm vào Nga) có thể sẽ thất bại.

Thông tin trên được Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra trong cuộc họp báo tổng kết năm 2022.

Ông Guterres nhấn mạnh rằng việc mở rộng số lượng thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) là xu thế tất yếu nhưng quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga sẽ không thay đổi. Một kế hoạch sửa đổi quyền phủ quyết trong tương lai hoàn toàn có thể bị một thành viên thường trực HĐBA ngăn chặn bằng quyền phủ quyết của họ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an - 1

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)

Hiện nay Hội đồng bảo an bao gồm 15 thành viên, 10 nước trong số đó có nhiệm kỳ hai năm và không thể phủ quyết các nghị quyết. Được thành lập vào năm 1945, Hội đồng bảo an có thể thực thi các biện pháp trừng phạt, cho phép hành động quân sự và đưa các vụ việc ra Tòa án Hình sự Quốc tế – nhưng chỉ với sự nhất trí của năm thành viên thường trực.

Nga đã ủng hộ một Hội đồng Bảo an đa dạng hơn trong nhiều năm, với việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm ngoái đã đưa ra đề xuất về việc trao nhiều ghế hơn cho các nước đang phát triển nhằm phá vỡ sự nắm giữ không cân xứng của phương Tây đối với cơ quan này.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Vassily Nebenzia, đã nhắc lại lập luận này vào tuần trước, nói với hội đồng rằng nó “chỉ có thể được dân chủ hóa thông qua việc tăng cường đại diện cho các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh”.

Tuy nhiên các nhà ngoại giao Nga đều không đề cập đến việc mở rộng các thành viên thường trực HĐBA.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 rằng Washington “ủng hộ việc tăng số lượng đại diện thường trực và không thường trực của Hội đồng bảo an” nhưng Mỹ mong muốn các quốc gia đồng minh của họ có được vị trí này.

Brazil, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Mexico, Nigeria và Nam Phi đều bày tỏ sự quan tâm đến các ghế thường trực trong HĐBA trong những năm gần đây.

Kể từ khi Nga ngăn chặn các nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm lên án hoạt động quân sự của Moskva ở Ukraine thông qua Hội đồng bảo an, Kiev đã kêu gọi hội đồng này tìm ra cách loại bỏ quyền phủ quyết của Nga.

https://vtc.vn/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-ung-ho-mo-rong-hoi-dong-bao-an-ar721783.html

Trà Khánh / VTC News