Các lực lượng đã nhận lệnh sẵn sàng ứng phó khi bão vào TP HCM, hơn 2.000 hộ dân ở huyện Cần Giờ sẽ được di dời từ sáng mai.
Trao đổi với VnExpress trưa 23/11, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, địa phương đã triển khai các nội dung đối phó cơn bão số 9 (tên quốc tế Usagi) theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Từ chiều qua huyện đã rà soát, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để ứng phó trước và sau khi bão vào.
Huyện Cần Giờ cấm biển từ 13h hôm nay. Các tàu thuyền đang đánh bánh trên biển, người dân ở các chòi canh phải về đất liền trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
"Chúng tôi cũng đang rà soát toàn bộ bà con ở các vùng thấp trũng, nhà tạm, những khu vực có nguy cơ sạt lở... để di dời khoảng hơn 2.000 hộ dân (4.151 người) vào sáng mai", ông Dũng nói.
Hướng đi của bão Usagi theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương. |
500 người túc trực xử lý ngập nặng
Theo Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng, kế hoạch đối phó nguy cơ ngập úng nặng do mưa bão trùng thời điểm triều cường lên cao. Hiện, trung tâm đã đề nghị Công ty thoát nước đô thị thành phố (đơn vị thuê bao) kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để xứ lý.
Hơn 500 người của đơn vị thoát nước cũng rải đều các quận huyện, túc trực 24/24. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm... được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã gửi công điện khẩn đến các cơ quan, quận huyện đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó bão Usagi.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố cùng Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp phải yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an thành phố phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
Theo dự báo, hoàn lưu áp thấp và bão có thể gây mưa lớn ở khu vực Nam Bộ, mực nước triều trên sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng đang lên (dự báo là vượt mức báo động cấp 3 - hơn 1,5 m). Do vậy, UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương chủ động phòng tránh tổ hợp bất lợi (bão gây mưa lớn và triều cường) nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Sở Giáo dục cũng vừa yêu cầu các trường học, đơn vị thực hiện nghiêm phương án phòng tránh, ứng phó bão theo quy định. Nếu thời tiết diễn biến phức tạp, UBND các quận huyện trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo, thông báo cho học sinh nghỉ học. Theo lịch, nhiều trường trung học và các trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn hoạt động vào thứ bảy - thời điềm dự báo bão vào đất liền.
Cơn bão đổ bộ vào Sài Gòn gần đây nhất là ngày 1/4/2012, mang tên Pakhar. Dù không gây thiệt hại về người nhưng bão làm gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh đổ, 11 ghe tàu chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng (thiệt hại 2,6 tỷ đồng), 8 điểm ngập có độ sâu 30-50 cm. Khi đi qua Đồng Nai và Ninh Thuận, bão Pakhar làm 2 người chết, tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ...
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF) nhận định, hôm nay bão theo hướng tây tây nam, tốc độ 10-15 km mỗi giờ và có thể mạnh thêm. 10h thứ bảy 24/11, tâm bão cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130 km, cách đảo Phú Quý khoảng 70 km. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão. Khả năng cao cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Miền Đông, trong đó có TP HCM. Khoảng đêm 24 và ngày 25/11 sẽ áp sát bờ gây ảnh hưởng đến Sài Gòn với sức gió từ cấp 6 đến cấp 8. Nam Bộ hiếm khi có bão, song nếu bão vào lại gây thiệt hại rất nghiêm trọng do người dân không có kinh nghiệm phòng chống như ở miền Trung, Bắc. Lịch sử ghi nhận cơn bão năm Thìn (ngày 1/5/1904) đổ bộ vào Gò Công và các vùng duyên hải Nam Bộ, đi qua Mỹ Tho, Tân An (tỉnh Tiền Giang và Long An ngày nay). Bão quật đổ chuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, là tuyến xe lửa đầu tiên của Việt Nam; hàng nghìn thuyền bè bị đắm; nước dâng cao 3,5-4 m, cuốn trôi nhiều làng ven biển; mưa to kết hợp với triều cường làm nước dâng, gây lũ ở miền Đông Nam Bộ, gây chết khoảng 5.000 người. Bão số 5 - Linda (ngày 2/11/1997) quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang lúc 19h với sức gió mạnh cấp 9-10, làm gần 3.000 người chết và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm. Theo trung tâm tư liệu khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên - Môi trường), đã có 71 cơn bão cấp 10 trở lên đổ bộ vào Việt Nam trong 50 năm qua. |
Hữu Nguyên
Bão số 9 giật cấp 10, sóng biển cao 5 - 7 m Đảo Phú Quý (Bình Thuận) là khu vực đầu tiên hứng tâm bão số 9 ( có tên quốc tế là cơn bão Usagi) hiện ... |