65/124 hộ canh tác ở vườn rau đã đồng ý nhận hỗ trợ, một số người khiếu nại về pháp lý nguồn gốc đất đang được xem xét.
Ngày 22/1, khu vực vườn rau Lộc Hưng (phường 6, quận Tân Bình, TP HCM) đã hoàn thành việc san lấp nền, sau khi giải toả hơn trăm căn nhà xây trái phép. Trên khu đất rộng 48.000 m2 trống trơn chỉ còn vài xe ủi đang hoàn tất nốt phần việc còn lại. Một số bảng thông tin về dự án xây 3 trường học đạt chuẩn quốc gia được dựng ở các mặt tiền khu đất.
Bảng công bố quy hoạch cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu vườn rau Lộc Hưng vừa được giải tỏa. Ảnh: Sơn Hoà. |
Người đàn ông hơn 50 tuổi đến UBND phường 6 nhận tiền hỗ trợ, cho biết có 200 m2 đất ở vườn rau Lộc Hưng, vừa bị giải tỏa. Gia đình ông được chính quyền hỗ trợ hơn 700 triệu đồng cho 50% đợt một, phần còn lại sẽ được trả sau Tết Nguyên đán.
Ông bà, cha mẹ của ông ngày xưa canh tác đất vườn rau cho thu nhập tốt, nuôi con cháu ăn học thành tài. Ngày trước, đất ở đây chỉ đơn thuần trồng rau nhưng vài năm qua nhiều người bắt đầu xây nhà, từ thô sơ như cái chòi rồi dần xây tầng kiên cố.
"Gọi là vườn rau nhưng sau này ít người trồng rau lắm. Khi chính quyền vận động giải tỏa, kê khai diện tích nhận hỗ trợ, tôi thấy hợp lý nên làm. Số tiền này tôi chia cho các con mỗi đứa một ít làm vốn buôn bán", ông chia sẻ.
Ông đề nghị giấu tên vì "sợ đụng chạm đến người khác". Trước đây, có nhóm người thường đến nhà ông kêu gọi không hợp tác với chính quyền, để họ khiếu nại làm được giấy tờ sử dụng đất, nhưng gia đình ông không đồng ý.
"Chúng tôi không có giấy tờ chứng minh đất là của mình. Phương án quận Tân Bình đưa ra tôi thấy hợp lý thì nhận đền bù, nhưng đề nghị chính quyền phải đảm bảo công bằng cho những người nhận trước. Không thể vì những người khiếu kiện mà sau này nâng mức đền bù cho họ dẫn đến thiệt cho chúng tôi - những người chấp hành từ đầu", ông nói và nhắc lại chuyện giữ bí mật danh tính.
Người dân đến kê khai đất canh tác, nhận hỗ trợ. Ảnh: Sơn Hòa. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thành Danh (Chủ tịch UBND phường 6) thông tin, cơ quan chức năng quận Tân Bình đã tiếp xúc 73 trong tổng số 124 hộ đang canh tác tại khu vườn rau. Hiện, 65 hộ đồng ý kê khai, nhận hỗ trợ. Tính đến chiều hôm qua, quận đã chi hỗ trợ đợt đầu tiên, mức 50% cho 8 hộ dân canh tác 2.300 m2 đất ở vườn rau, tổng cộng là hơn 8 tỷ đồng; 50% còn lại người dân sẽ được nhận sau Tết Nguyên đán. Ngoài khoản hỗ trợ này, mỗi hộ kê khai hồ sơ sớm được tặng 5 triệu đồng quà Tết.
Còn một số trường hợp không đồng ý việc cưỡng chế và đã gửi đơn lên Ban tiếp dân thành phố để khiếu kiện. Nội dung tập trung 3 vấn đề: đất họ đang canh tác ở khu vườn rau là của Giáo phận TP HCM chứ không phải đất công; việc cưỡng chế hơn trăm công trình là không đúng trình tự thủ tục; kiện UBND phường thực hiện không đúng thủ tục hành chính...
Theo UBND quận Tân Bình, đơn khiếu kiện đề ngày 17/1 của 166 người nhưng số chữ ký thực tế là 114, chỉ có 38 hộ liên quan 61 thửa tại khu vườn rau. Có người ký 8 lần, hai người không liên quan nhưng vẫn ký đơn. Quận Tân Bình đang phối hợp các sở ngành và Văn phòng Tiếp công dân tổ chức cuộc họp phân tích, đánh giá toàn bộ nội dung đơn để tham mưu UBND TP HCM trả lời cụ thể ý kiến nào của người dân đúng, hoặc không đúng.
Về nguồn gốc pháp lý vườn rau Lộc Hưng, UBND quận Tân Bình cho biết, khu đất rộng 4,8 ha này vốn thuộc Nha Viễn thông chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, nhà nước trực tiếp quản lý theo Điều 1, Phần IV Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ. Khu đất này không thuộc quyền quản lý, cũng như không thuộc tài sản của Tòa Tổng Giám mục từ trên 100 năm nay.
"Những hộ dân có khiếu nại về pháp lý đất thuộc Tòa Tổng Giám mục, đề nghị cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan để chứng minh quyền quản lý, sử dụng đối với khu đất trên", quận Tân Bình nêu quan điểm.
Vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân Bình, giáp ranh quận 10 (Công viên Lê Thị Riêng). |
Liên quan việc người dân từng nhiều lần khiếu nại về tính pháp lý của khu đất, ngày 27/11/2006, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM gửi công văn hỏi ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường để làm cơ sở giải quyết. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ ký văn bản cho biết, thời Pháp thuộc 4,8 ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6, quận Tân Bình (khu vườn rau) thuộc 6,8 ha đất do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ - được chính quyền Pháp sử dụng làm bãi anten cho đài phát tín. Sau đó, Nha Giám đốc viễn thông (chế độ cũ) trực tiếp quản lý, sử dụng.
Năm 1975, Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản đài phát tín. Năm 1987, Bưu điện thành phố tiếp nhận bãi anten trên theo Quyết định số 578 của Tổng cục Bưu điện. Sau đó, Bưu điện thành phố đã 4 lần có công văn (1988-1991) xin phép giải tỏa vườn rau xung quanh khu đất và xây hàng rào bảo vệ quanh khu bãi anten. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được do chưa thống nhất thương lượng bồi thường hoa màu cho người canh tác.
Năm 2001, UBND TP HCM có các quyết định giao khu đất cho Công ty TNHH Sài Thành và Bưu điện thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên bưu điện. Cả hai khu đất này đều thuộc diện tích 6,8 ha nêu trên nhưng dự án không thể thực hiện do người dân khiếu nại, yêu cầu xác nhận quá trình sử dụng đất là "có quá trình sử dụng đất từ năm 1955 đến nay, không tranh chấp".
Từ thực tế quá trình sử dụng đất như trên, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, các hộ dân trồng rau là tận dụng phần diện tích đất trống giữa các cột anten để canh tác. Khi Bưu điện thành phố yêu cầu ngừng canh tác để trả lại mặt bằng, các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất với bưu điện. Do đó, về việc đền bù, hỗ trợ di dời khi UBND TP HCM thu hồi đất "người dân chỉ được hỗ trợ theo quy định và mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường".
Năm 2008 UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất, giao quận Tân Bình thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư. Sau đó, cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch để xây 3 ngôi trường: Mầm non Sơn Ca diện tích 6.300 m2, một trệt ba lầu, 20 phòng học và có thể nuôi dạy 700 học sinh; Tiểu học Hùng Vương rộng 9.400 m2, quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 học sinh; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi 12.200m2, 45 phòng học, trên 2.000 học sinh; phần còn lại sẽ làm hạ tầng giao thông quanh khu vực cùng công viên cây xanh. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 117 tỷ đồng.
Tại khu vườn rau Lộc Hưng, qua các thời kỳ có tổng cộng 124 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tự ý xây nhà ở, công trình không phép. Riêng năm 2018 phát sinh 42 trường hợp xây phòng trọ, bán tạp hoá, rửa xe... nâng tổng số 112 căn vi phạm và đều bị lập biên bản. Quận cũng ban hành quyết định và kế hoạch cưỡng chế gửi đến các hộ dân, hoặc niêm yết tại khu vực.
Việc cưỡng chế của quận Tân Bình diễn ra trong hai ngày 4 và 8/1. Một số hộ dân không hợp tác với chính quyền.
Chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng:
Áp dụng đơn giá hơn 7 triệu đồng/m2.
Các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình giải tỏa chiếm dụng đất và xây dựng trái phép, không thể tiếp tục trồng rau, UBND quận Tân Bình hỗ trợ thêm chi phí tương đương doanh thu 3 tháng (4-6 triệu đồng mỗi tháng). Điều kiện được hỗ trợ là người dân canh tác thực tế tại khu đất đến hết ngày 3/1.
Quận Tân Bình chi trả phí đào tạo chuyển đổi nghề, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Các trường hợp có hoàn cảnh neo đơn, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu.
Chính quyền phường 6 và quận Tân Bình cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo Tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau.
Với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, chính quyền địa phương sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội (tại chung cư Phú Thọ, quận 11), đề xuất UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể.
Các hộ mua, sang nhượng đất bằng giấy tay sau cùng, Hội đồng hỗ trợ dự án sẽ xem xét hồ sơ từng trường hợp. Nếu chứng minh được người canh tác trước đây bán, sang nhượng lại mà không có ai tranh chấp thì sẽ giải quyết chi cho các trường hợp mua, sang nhượng đất bằng giấy tay sau cùng.
Ban Thời sự
Vì sao quận Tân Bình cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước Tết? Lãnh đạo UBND quận Tân Bình lý giải về việc giải tỏa các công trình trái phép ở khu vườn rau Lộc Hưng trước Tết ... |
Sau cưỡng chế, TP.HCM hỗ trợ 7 triệu đồng/m2 khu vườn rau Lộc Hưng UBND quận Tân Bình cho biết, UBND TP.HCM đã phê duyệt mức giá hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 ở khu vườn rau Lộc Hưng ... |