Phụ huynh sẽ chi trả 50%, ngân sách hỗ trợ 30%, số còn lại do doanh nghiệp sữa hỗ trợ.
Sáng 8/10, tại kỳ họp bất thường khóa IX, HĐND TP HCM thông qua đề nghị của UBND thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách, để thực hiện đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018-2020.
Mục tiêu của chương trình là 100% phụ huynh, người chăm sóc học sinh; 90% trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (các trường công lập, ngoài công lập) và trẻ học lớp mẫu giáo độc lập tư thục tham gia đề án. Chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, tỷ lệ protein động vật, protein tổng số khẩu phần trẻ em tham gia đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 4,4%; thể thấp còi dưới 6,8%.
Phụ huynh chi trả 50% kinh phí
Trong năm học 2018-2019, chương trình triển khai với trẻ mẫu giáo và thí điểm học sinh lớp 1 tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Năm tiếp theo sẽ triển khai với trẻ mẫu giáo, rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.
Mỗi học sinh được uống sữa 9 tháng trong một năm học, trừ ba tháng hè; mỗi ngày uống 180 ml sữa.
Thành phố đề xuất kinh phí hỗ trợ theo tỷ lệ: ngân sách 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa 20% và cha mẹ học sinh 50%.
Riêng với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập (được cấp phép theo quy định của pháp luật) đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ phần còn lại.
Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 348 tỷ đồng, cha mẹ học sinh trên 547 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa trên 239 tỷ.
Học sinh tiểu học tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, khi được giao triển khai tham mưu đề án, Sở đã lấy ý kiến hơn 260.000 phiếu khảo sát và có đến 84% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần mỗi tuần.
"Tất cả dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Về phương án đấu thầu sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa theo đúng quy định của pháp luật", ông Sơn khẳng định.
Đấu thầu công khai để không \'gây tai tiếng với xã hội\'
Đề án được đa số đại biểu đồng ý, song không ít người băn khoăn về cách thức triển khai. Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, cần có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn sữa phục vụ chương trình, công khai tỷ lệ chiết khấu sản phẩm sữa của doanh nghiệp để làm rõ "20% hỗ trợ của doanh nghiệp đến đâu". Ông Quân cũng đề nghị giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án dựa trên tính tự nguyện của phụ huynh.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, nếu không công khai, minh bạch trong đấu thầu sẽ gây tai tiếng với xã hội. Bà đề xuất cơ chế đấu thầu có giám sát cụ thể từ HĐND, cơ quan báo chí.
"Sữa là quan trọng nhưng không phải là giải pháp toàn năng mà cần đi kèm với chương trình thể dục thể thao, đảm bảo sức khỏe cho trẻ từ giảm tải chương trình", bà Trâm nói thêm.
Trước đó, ngày 8/7/2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành quyết định số 1340 phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng việc cho trẻ uống sữa hàng ngày, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ. Quyết định đưa ra 9 chỉ tiêu áp dụng cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020.
Chương trình Sữa học đường: Rất nhân văn, sao phụ huynh lại phản đối? Lãnh đạo nhiều trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng, chương trình "Sữa học đường" trong các trường tiểu ... |
TP.HCM sẽ chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường? UBND TP.HCM đề xuất chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường trong giai đoạn 2018-2020. |