Hơn 9 tháng đầu năm, đã có 59.618 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) tại TP Hồ Chí Minh, trong đó số ca nặng là 1.296 ca, tỷ lệ ca nặng đã tăng gần 4 lần. Tuần qua đã có thêm 1 ca tử vong do SXH tại quận 8, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay tại thành phố là 24 trường hợp.
- Số ca sốt xuất huyết nặng tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 7 lần so với năm 2021
- Hà Nội chuẩn bị vào đỉnh dịch sốt xuất huyết: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!
Trong tuần 39, toàn thành phố ghi nhận có 149 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 84 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Xử lý phun hoá chất 298 ổ dịch và có 3 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 370 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 154 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, TP Thủ Đức. TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 3 ổ dịch tay - chân -miệng mới, ghi nhận từ đầu năm tới nay là 70 ổ dịch.
Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh hơn 2 tháng qua đã tiếp nhận 55.000 trẻ nhập viện khám do nhiều loại bệnh liên quan tới bệnh hô hấp. Khoảng 8% được xác định mắc bệnh cúm mùa (khoảng 4.000 ca), gây nhiều áp lực cho việc theo dõi, chăm sóc.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, nhiều trẻ khi nhập viện có tình trạng bị bệnh “đồng nhiễm”, vừa bị COVID-19 vừa mắc SXH, hoặc mắc bệnh cúm mùa.
Số ca đồng nhiễm đang gia tăng. Đối với những ca này, việc điều trị rất khó khăn. Bệnh của trẻ thường nặng hơn, nhất là gây viêm phổi và suy hô hấp. Ở những trẻ có bệnh tiềm ẩn sẵn thì bệnh diễn tiến rất nặng.
Cũng theo bác sĩ Tiến, virus cúm mùa lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc giọt bắn, qua ho, hắt hơi… của bệnh nhân. Đặc biệt là tại nơi đông người, hay ở trường học, nhà trẻ, khi có trẻ mắc bệnh, sẽ gây lây lan nhanh. Phổ biến nhất là sau khi bị nhiễm cúm tại trường học, trẻ bị bệnh về nhà lây cho người thân, ông bà, bố mẹ. Ở người lớn có bệnh nền thì bệnh sẽ càng nặng hơn.
“Chúng ta có vaccine cúm mùa, phòng bệnh hằng năm cho trẻ. Nên tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên và 1 năm tiêm nhắc lại 1 lần”, BS Tiến khuyến cáo.
“Nếu không diệt lăng quăng mà chỉ tập trung vào diệt muỗi bằng phun hóa chất tại các ổ dịch hoặc dùng nhang muỗi, bình xịt... thì lăng quăng sẽ tiếp tục vòng đời để phát triển thành muỗi sinh sản thế hệ sau và truyền bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh đã cảnh báo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
https://cand.com.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-gan-60-000-ca-sot-xuat-huyet-ca-nang-tang-gan-4-lan-i669580/