Ngày 19-9, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng thuận thành phố sớm triển khai thực hiện.
- Ai được thuê vỉa hè, giá bao nhiêu?
- TP.HCM đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè từ năm 2024, cao nhất 350.000 đồng/m2
"Tôi ủng hộ thu phí vì mong mọi thứ sẽ tốt hơn"
Là tuyến đường có vỉa hè rộng, luôn tấp nập buôn bán, tuyến đường Rạch Bùng Binh (quận 3) được xem là nơi lý tưởng để địa phương triển khai thu phí sử dụng hè phố bởi nhiều đoạn rộng hơn 1,5m.
“Hiện nhiều đoạn vỉa hè, lòng đường dọc tuyến bị lấn chiếm, gây bất tiện cho người đi bộ và phương tiện. Tôi hy vọng khi thu phí sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn, lập lại được trật tự, nên tôi ủng hộ", chị Vương Nhã Thư (hộ kinh doanh thời trang trên đường Rạch Bùng Binh) chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Trần Bảo Nghi (chủ hộ kinh doanh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) nói: "Tôi ủng hộ việc có khung giờ để các hộ kinh doanh được sử dụng lòng đường, vỉa hè một cách hợp pháp, không lo phải trốn tránh, bị xử phạt như trước đây, bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người kinh doanh ngành ăn uống như tôi".
Đối với các tuyến đường cửa ngõ và ngoại thành, theo tìm hiểu của phóng viên, các hộ kinh doanh và người dân đều mong muốn thành phố triển khai nghị quyết nói trên, để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đưa việc kinh doanh vào nền nếp, ổn định.
“Chúng tôi hy vọng việc triển khai thu phí sẽ vừa giúp các tuyến phố đẹp hơn, vừa tạo sự thông thoáng để người đi bộ tham gia giao thông thuận lợi và an toàn”, ông Trần Văn Thước (ngụ đường Lê Văn Việt, thành phố Thủ Đức) bày tỏ.
Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Nghị quyết được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Ông mong muốn khi triển khai nghị quyết, các cấp chính quyền có phương án bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và các bên liên quan để chủ trương đúng được thực hiện tốt.
Triển khai bài bản, không vội vàng
Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải) Ngô Hải Đường cho biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết này, trong đó phân công, phân nhiệm cho các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và kịp thời.
Sau đó, Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố đối với các tuyến đường được giao quản lý theo quy định.
Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát trên địa bàn quản lý các hè phố đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời; xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải bảo đảm nguyên tắc chung là lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông, không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.
Từ ngày 1-1-2024, có 9 trường hợp được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, gồm: Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; bố trí đường dành cho xe đạp; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu phí.
Có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời lòng đường, gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Về phía địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 Phan Thế Huy cho biết, địa phương cũng đang chờ UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện bài bản, đúng quy định, từ đó xây dựng phương án cho phép sử dụng từng lòng đường, hè phố cụ thể, không làm đại trà, vội vã.
Hiện Sở Giao thông - Vận tải thành phố đang xây dựng công cụ, phần mềm quản lí và cấp phép cho thuê lòng đường, vỉa hè. Người dân có thể giám sát trực tiếp qua ứng dụng để biết những khu vực có phép hay không, phương án sử dụng thế nào, đã đóng phí hay chưa. Hình thức thu phí ưu tiên thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Cũng theo ông Ngô Hải Đường, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc thu phí nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Đồng thời, công khai, minh bạch trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí, góp phần bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, cũng như khai thác hiệu quả và có thêm kinh phí để bảo trì lòng đường, hè phố.
Theo tính toán, dự kiến mỗi năm, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố là gần 800 tỷ đồng.