Đối với người dân Cần Thơ, những cơn mưa lớn hay các đợt triều cường giờ đã trở thành nỗi ám ảnh với những trận ngập khủng khiếp. Trong khi ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, thành phố vẫn cứ loay hoay, không tìm ra được giải pháp hiệu quả nào để ứng phó…
Đến hẹn, phố lại thành sông
Những ngày qua, khu vực trung tâm TP.Cần Thơ và các vùng lân cận: Vĩnh Long, Sóc Trăng… như chìm trong biển nước khi triều cường dâng cao. Nước tràn ngập nhà dân, gây vỡ đê ở cồn Khương, ngành chức năng phải huy động lực lượng giúp các hộ di dời đồ đạc, gia súc, gia cầm. Nước ngập tràn ra quốc lộ khiến hàng loạt phương tiện chết máy, giao thông ùn ứ cục bộ… Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngập lụt đô thị do triều cường ở Cần Thơ đã là chuyện “thường niên”, nhưng nay diễn ra với mức độ năm sau cao hơn năm trước. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn TP.Cần Thơ, lúc 16 giờ ngày 28.9, đỉnh triều cao nhất trên sông Hậu là 2,04m. Qua hôm sau, đỉnh triều tăng lên 2,14m, cao hơn mực nước dự báo 0,04m (dự báo là 2,1m), khả năng vẫn còn tăng cao trong những ngày tới. Đây được xem là trận ngập lịch sử thứ hai ở Cần Thơ so với trận ngập vào tháng 10.2018. Trận ngập trước đó, đỉnh triều đã chạm mức 2,25m.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ít nhất 60 tuyến đường ở quận Ninh Kiều bị ngập, nước tràn qua tất cả bờ, đi vào khu vực nội ô. Đường bị ngập sâu tập trung ở các quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy. Có tất cả khoảng 100 điểm ngập từ 0,1-0,65m, thời gian ngập kéo dài từ 2-4 tiếng. Đặc biệt có nhiều tuyến đường ngập sâu từ 0,4-0,65m.
Trông chờ dự án 3
Ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ - cho biết: Trước đây, tình trạng triều cường gây ngập chỉ tác động trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017, khi đỉnh lũ ở thượng nguồn đạt 2,03m đã bắt đầu tác động đến đô thị. Các đợt triều cường thường ghi nhận đỉnh triều trên 2m, có khi lên đến 2,23m, vượt quá khả năng chống chịu của thành phố là 2m. Ngoài ngập do triều cường, Cần Thơ còn đang đối mặt với tình trạng cứ mưa là ngập.
Ông Toàn cho rằng, tình trạng ngập do nhiều nguyên nhân như: Sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu. Trong đó, căn cơ nhất vẫn là nguyên nhân do hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng. Thời gian qua, thành phố đã có dự án nâng cấp đô thị 1, 2 nhưng các dự án này chỉ giải quyết được bài toán ngập tại các con hẻm nhỏ.
Thành phố đang triển khai Dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Trong đó, có việc nâng cấp đầu tư 30 tuyến đường chính gắn với hệ thống thu gom nước. 30 tuyến đường này hoàn thành kết hợp cải tạo cảnh quan sẽ cơ bản giải quyết chuyện ngập của thành phố.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ - nói rằng, hiện nay, thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập và gần như “bó tay” trước các đợt triều cường. Thành phố đang kỳ vọng vào dự án 3. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng. Dự án gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu… Dự án sẽ tập trung chống ngập khu đô thị lõi TP.Cần Thơ thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ. Diện tích được bảo vệ là 2.675ha và số dân trong khu vực được bảo vệ là 423.400 người… Dự án đang được triển khai với nhiều hạng mục như: Kè, cống, đê bao… Đến năm 2021 khi dự án cơ bản hoàn thành sẽ giải quyết được chuyện ngập của thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ Mai Như Toàn cho biết: Hiện nay, các khu vực đê bao được xây dựng ở thượng nguồn nhưng lại không có điều tiết nước, do vậy, cần phải có cơ chế quản lý các vùng. Điều này một mình Cần Thơ không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của các địa phương và các bộ, ngành.
Dân ngập lụt ở Quảng Bình được di dời... lên vùng sạt lở |
Vỡ bờ bao gây ngập ở TP.HCM: Công trình thi công bờ kè cũng "có tội" |
Người dân TP.HCM lội trong làn nước đen bẩn sau sự cố vỡ bờ bao |