Được đánh giá đặc biệt quan trọng và rất cấp bách nhưng 3 dự án đường vành đai tại TPHCM suốt 10 năm qua vẫn chưa thể khép kín. Việc thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống đường vành đai được đánh giá là 1 trong những nguyên nhân chính khiến TPHCM ùn trong tắc ngoài, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Dự án đường Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km và có tổng vốn đầu tư toàn tuyến là 12.540 tỉ đồng. Sau nhiều năm thi công, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 11 km (chia làm 4 đoạn) còn dang dở, chưa được khép kín.
Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến QL1A) trước đây được kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT nhưng có nhiều vướng mắc nên chưa thể triển khai. Mới đây HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư công, sử dụng ngân sách để đầu tư 3 đoạn này.
Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Q.Thủ Đức) dài khoảng 2,7 km dù được triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đến nay cũng đã tạm ngưng vì vướng mặt bằng.
Tương tự, dự án Vành đai 3 hiện đặc biệt nan giải dù tuyến đường này được đánh giá mang tính "chiến lược", tạo liên kết vùng. Quy hoạch đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km sẽ làm mới với tổng vốn khoảng 55.805 tỉ đồng. Tuyến đường này đi qua địa phận TPHCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Dự án được chia làm 4 đoạn, trong đó hiện chỉ có đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn) dài 16,3 km, trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác. Trong khi đó, những đoạn qua TPHCM vẫn ngổn ngang, chưa được đầu tư.
Còn Vành đai 4 dài gần 200 km đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỉ đồng. Hiện chỉ có đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km đi qua TPHCM và Long An) được nghiên cứu đề xuất đầu tư, phần còn lại chưa được nghiên cứu.
Đường Mai Chí Thọ - một trong những tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM thường xuyên kẹt xe nên việc đầu tư các tuyến Vành đai 2 và 3 là rất cấp bách. Ảnh: Minh Quân |
Theo ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thời gian qua TPHCM đã tích cực triển khai nhiều dự án mở rộng cầu, đường, làm cầu vượt giải tỏa các điểm nghẽn giao thông nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, giải quyết cục bộ.
Hệ thống đường vành đai vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông nội đô, vừa hỗ trợ giãn dân. Muốn TPHCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn.
Theo ông Lâm, Sở đã trình UBND TPHCM đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM đến năm 2030”, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư với các dự án giao thông.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách trong đề án này, trong đó tập trung đầu tư dự án khép kín Vành đai 2, 3.
MINH QUÂN
TP HCM muốn ứng gần 3.000 tỷ làm nhanh đường Vành đai 3 Được quy hoạch từ nhiều năm nhưng Đường Vành đai TP HCM chưa thực hiện do Trung ương chưa bố trí vốn. |
23 tuyến đường Sài Gòn thu phí đỗ ôtô theo giờ Ôtô đỗ dưới lòng đường sẽ bị thu 20.000-30.000 đồng mỗi giờ, tùy loại xe, từ ngày 1/8. |