Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 – 2020 để di dời khoảng 20.000 căn hộ, TP.HCM cần tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng, trong khi vốn trung, dài hạn phân bổ chỉ đáp ứng 7% nhu cầu.
Sáng 1.2.2018, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo di dời nhà ven và trên kênh, rạch nhằm chỉnh trang đô thị TPHCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc chỉnh trang đô thị phải vừa đáp ứng giao thông thông thoáng, vừa phải bảo đảm đời sống người dân tốt hơn. Theo ông Nhân, 20 năm qua thành phố đã giải quyết di dời được 30.000 căn, còn lại hơn 20.000 căn mà đã qua gần nửa nhiệm kỳ rồi chưa hoàn thành. "Một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng phải làm bằng được. Tôi cho rằng nên có chương trình tập huấn các cán bộ liên quan đến quy hoạch đi Nhật học tập. Cuối quý 3.2018 mời họ sang vài ngày để họ tư vấn cho mình. Quy hoạch, chỉnh trang nhưng phải ưu tiên dân ở tại chỗ, chất lượng sống sau cải tạo phải tốt hơn”, ông Nhân nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, giải quyết nhà ven kênh rạch không chỉ giải quyết chỗ ở tốt hơn mà còn giải quyết được vấn đề kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường và thúc đẩy du lịch.
Là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng TP.HCM vẫn là đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với nạn kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu. Đặc biệt, TP.HCM hiện có hơn 20.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch là nỗi đau day dứt, nỗi bức xúc, trăn trở của lãnh đạo TP.HCM nhiều thời kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần VĩnhTuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
Để hoàn thành chỉ tiêu di dời 20.000 căn hộ nói trên, đòi hỏi phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố. Chủ trương xã hội hoá để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh hình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở ban ngành đơn vị tham mưu tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức PPP.
Ông Tuyến nhấn mạnh, hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị – di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch, mời gọi các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Hội nghị nhằm tạo cơ hội để TP.HCM hợp tác, thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu, giới thiệu các chính sách thu hút, tham gia đầu tư xây dựng các dự án một cách công khai, minh bạch và cầu thị nhất.
TP.HCM vẫn còn 20.000 căn nhà ven kênh rạch.
Còn theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, đối với việc thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị, nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách khoảng 25.748 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách của TP.HCM cân đối 2.508 tỷ đồng, nguồn vốn chưa cân đối được, cần phải huy động nguồn vốn xã hội hoá là 23.240 tỷ đồng. Theo quy định, để huy động nguồn vốn đầu tư, TP.HCM huy động từ các nguồn: vốn ngân sách, vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn ODA, vốn trong dân… Đối với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, theo hình thức hiện hành có 3 hình thức đầu tư xã hội hoá: đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất đã hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với khu đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cảnh lộn xộn, mất mỹ quan từ khu nhà ven kênh rạch.
Đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam cho rằng, TP.HCM hiện nay rất khó khăn về ngân sách để chỉnh trang đô thị. Vì vậy, JICA có chương trình hỗ trợ kênh rạch theo hình thức PPP. JICA đề xuất tài trợ đầu tư khu vực tư nhân, không cần có sự tham gia của nhà nước mà tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân. Hi vọng qua đó có thể giúp cho họ tham gia tích cực hơn.
Không gian sông Sài Gòn dành cho ai? Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo TPHCM, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ thẳng thắn về tình trạng sông Sài ... |
Sông hoa, chợ nổi được đề xuất làm ở Sài Gòn TP.HCM có lợi thế về kênh rạch, nếu sông hoa và chợ nổi được làm sẽ là thương hiệu du lịch của thành phố. |