Sau hơn một tháng nới lỏng giãn cách, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM có xu hướng phức tạp trở lại. Dự kiến, thành phố này sẽ có những điều chỉnh về các hoạt động trong thời gian tới.
Theo văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM về việc mở lại các hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, đến hết ngày 15/11, việc thí điểm phục vụ đồ uống có cồn tại quận 7 và TP Thủ Đức sẽ hoàn tất. Sau quãng thời gian này, lãnh đạo quận 7 và TP Thủ Đức cần đánh giá, rút kinh nghiệm để thành phố tiếp tục triển khai, nhân rộng ở các địa bàn khác.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ 1/10 tới 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng nhưng các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.
Số ca tử vong tại TP.HCM dao động 40 ca/ngày. Trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền chiếm 85%.
Qua thống kê bằng công nghệ giám sát, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát hiện số ca mắc mới qua test nhanh tại H.Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Q.12 và TP.Thủ Đức… có xu hướng tăng, tập trung tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ, ổ dịch gia đình. Kiểm tra thực tế tại các địa bàn, số ca còn tăng cao hơn nhiều, do các địa phương chưa kịp báo cáo vào phần mềm, cũng như chưa kịp thời phát túi thuốc A, B, C (túi thuốc C có thuốc Molnupiravir kháng vi rút) cho F0 tại nhà.
Các chuyên gia nhận định tình hình F0 hiện nay tại TP.HCM tương tự thời kỳ đầu thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (ngày 19.6), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Nhiều nước dù có nền tảng y tế, độ bao phủ vắc xin cao, nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát.
Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng F0 gia tăng được xác định là TP.HCM không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát. Thống kê cho thấy nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển về các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát…
Trước lo ngại số F0 cộng đồng gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai đồng loạt các giải pháp để phòng chặn và phát hiện F0 chuyển nặng, tử vong. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết khi phát hiện ra F0 thì đảm bảo cách ly trong nhà không lây cho người khác; người nào có nguy cơ chuyển nặng hoặc không đảm bảo cách ly tại nhà thì cách ly tập trung để theo dõi sát. “Khi chưa có vắc xin thì khả năng bệnh nặng lên tới 30% trên số ca nhiễm và có một số diễn tiến nặng, tử vong. Hy vọng rằng khi tiêm vắc xin, tỷ lệ nặng giảm xuống 5 - 10% và tử vong giảm đáng kể”, ông Châu nói.
Có nên tiếp tục "mở cửa"?
Gần 5 tuần kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành, sáng 13/11, UBND TP.HCM mới lấy ý kiến góp ý của các địa phương về dự thảo triển khai thực hiện Nghị quyết 128. Chủ tịch Phan Văn Mãi từng chia sẻ sau 15/11, TP.HCM có thể có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.
Căn cứ theo Chỉ thị 18 cùng một số văn bản khác, TP.HCM hiện chưa mở cửa với một số nhóm hoạt động sau: GrabBike (xe ôm công nghệ); các hoạt động thuộc nhóm nguy cơ cao (karaoke, quán bar, vũ trường...); trường học. Hoạt động ăn uống tại chỗ bị giới hạn tới 21h, còn uống rượu bia thì mới chỉ thí điểm tại quận 7, TP Thủ Đức.
Từ góc độ dịch tễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá tiến độ mở cửa của TP.HCM hiện còn "chậm và cẩn thận". Chuyên gia này cho rằng thành phố nên tự tin hơn trong nới lỏng các hoạt động bởi độ phủ vaccine và tỷ lệ F0 khỏi bệnh đều cao nhất cả nước. Vaccine không thể ngăn chặn lây nhiễm, nhưng là lớp bảo vệ quan trọng để giảm ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Thực tế cho thấy dù số ca nhiễm tại TP.HCM cao và có xu hướng tăng, số ca tử vong, ca nặng không biến động nhiều kể từ khi mở cửa.
Ông cũng nhận định sau khi tiêm chủng, tỷ lệ bảo vệ của TP.HCM đang cao nhưng hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, thành phố nên tận dụng sớm giai đoạn này để mở cửa tối đa, phù hợp với tình hình dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc cần làm hiện nay là bình tĩnh tìm cách ngăn chặn, không để bị hốt hoảng. Việc trước hết phải làm là khi phát hiện ca nhiễm tăng ở địa bàn nào, TP lập ngay đội phản ứng nhanh để sớm dập ổ dịch đó.
Song song với đó, khi xuất hiện F0, địa phương cần tìm hiểu nguồn lây từ đâu, tình trạng tiêm vaccine, thời gian tiêm vaccine...Đối với các trường hợp tử vong cũng cần phân tích kỹ số liệu xem bệnh nhân chết do Covid-19 hay chết có Covid-19 (mắc Covid-19 nhưng tử vong do bệnh nền).
Bí thư đặt ra 2 vấn đề buộc thành phố phải suy nghĩ. Đó là ngưỡng giới hạn của số F0 và tỷ lệ tử vong mà TP.HCM có thể chấp nhận trong bối cảnh bình thường mới.
“Quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả. Nhưng làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả cũng là thử thách”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
PV (th)
Bí thư TP.HCM: F0 đang tăng, thực tế nhiều hơn số liệu thống kê |
Sở Y tế TP.HCM lý giải vì sao có người tiêm đủ vaccine vẫn tử vong |
8.928 ca COVID-19 mới, TP.HCM thêm gần 1.400 F0 |