Sau 3 ngày nghị định 168 có hiệu lực, rất nhiều người tham gia giao thông ở TP.HCM vẫn leo lề đường, vượt đèn đỏ.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/1/2025, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.

Đây là mức phạt mà những người đã vi phạm giao thông ở TP.HCM trong 3 ngày qua cho rằng "quá nặng", dẫu vậy khi "vắng bóng" CSGT thì ngay lập tức leo lề, thậm chí là đi ngược chiều.

Clip người tham gia giao thông leo lề trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

Leo lề đường từ trung tâm đến vùng ven thành phố

Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, vào khung giờ cao điểm các tuyến đường trung tâm cũng như ở vùng ven TP.HCM như: Nguyễn Thái Học (Quận 1), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3), Lý Thái Tổ (Quận 10) và huyện Bình Chánh... đồng loạt xuất hiện tình trạng người dân chạy xe trên vỉa hè, đi ngược chiều.

Hàng loạt xe máy thi nhau chạy lên lề trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1).

Hàng loạt xe máy thi nhau chạy lên lề trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1).

Không muốn chờ đèn đỏ trong giờ cao điểm, nhiều người lựa chọn phóng xe lên vỉa hè để di chuyển nhanh chóng. Khoảng 16h30, tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, đoạn giao nhau với đường Nguyễn Thị Minh Khai), chỉ chưa đầy 20 phút đã có hàng chục xe gắn máy nối đuôi nhau chạy trên vỉa hè.

Ông Trần Văn Tâm (làm bảo vệ một quán cà phê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết người dân sinh sống trên tuyến đường này đã quá quen với tình trạng người tham gia giao thông phi xe vù vù trên lề đường, bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi bộ.

"Sáng sớm và chiều tối xe leo lên lề ở đoạn đường này đông nghịt, không có chỗ cho người đi bộ", ông Tâm nói.

"Vắng bóng" CSGT, ngay lập tức loạt xe máy phi vù vù trên vỉa hè. 

Tương tự, tại đường Nguyễn Thái Học và đường Cách Mạng Tháng 8 và đường 3/2, nhiều người điều khiển xe máy cũng ngang nhiên leo lề đường, bất chấp hình phạt "cứng" của nghị định 168. 

Bà Hoàng Thị Thuỷ (ngụ Quận 3) bức xúc cho biết, việc chạy ngược chiều trên vỉa hè này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cần có biện pháp xử lý nghiêm.

"Thú thật cảnh xe máy leo lề không xa lạ, thậm chí tôi chứng kiến không ít vụ va quẹt do xe máy leo lề gây ra cho người đi bộ. Nhiều trường hợp đi xe máy đụng người đi bộ ngã nhào trên vỉa hè nhưng còn không nói một câu, cứ thế phi xe đi như chưa có chuyện gì", bà Thuỷ phán ánh.

Hình ảnh công nhân vệ sinh môi trường một tay lái xe đi ngược chiều, tay còn lại kéo xe rác gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Hình ảnh công nhân vệ sinh môi trường một tay lái xe đi ngược chiều, tay còn lại kéo xe rác gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

 

Ghi nhận tại đường một số tuyến đường vùng ven thành phố như đường Dương Bá Trạch (Quận 8), đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) hàng loạt người điều khiển xe máy thản nhiên leo lề, dù lực lượng chức năng TP.HCM đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông theo nghị định 168/2024.

Hàng tá lý do biện minh để được leo lề

Sau 3 ngày ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, CSGT TP.HCM đã lập biên bản xử phạt 3.200 người. Đáng chú ý, khi nghe lực lượng chức năng thông báo lỗi vi phạm, nhiều người trong đó có xe ôm công nghệ, giao hàng đều biện lý do "đường tắc", "vội giao hàng", "vội đón khách".

Người dân cho biết, xe máy leo lề giờ cao điểm là hình ảnh quen thuộc từ nhiều năm nay.

Người dân cho biết, xe máy leo lề giờ cao điểm là hình ảnh quen thuộc từ nhiều năm nay.

Để rút ngắn thời gian đi lại, không ít người tham gia giao thông đánh liều đi ngược chiều trên vỉa hè hay thậm chí đi ngược đường. Việc làm này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điển hình là trường hợp của H.V.H (SN 1990) bị CSGT lập biên bản xử phạt vì điều khiển xe chạy ngược chiều trên đường Cộng Hoà. Làm việc với lực lượng chức năng, nam tài xế cho rằng do không để ý nên đã đi ngược chiều. "Tôi không chú ý nên đi quá, sau đó vội quay ngược lại thì thành ra đi ngược đường", anh H, giải thích.

Khác với lý do của anh H., ông Nguyễn Tân C. (SN 1960, ngụ TP.HCM) bị CSGT xử phạt với lỗi điều khiển xe máy trên lề đường. Làm việc với tổ công tác, ông C. cho biết, bản thân vội giao hàng cho khách nên đã "lỡ" leo lề.

"Tôi làm nghề xe ôm công nghệ cũng đã hơn 5 năm, hôm nay là ngày đầu vi phạm giao thông. Vì vội giao thức ăn kịp cho khách hàng nên dẫn đến vi phạm giao thông, với mức phạt 5 triệu tôi sẽ cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông”, ông C. nói.

Khi bị CSGT lập biển bản xử phạt hành chính, hầu hết người vi phạm đều có lý do riêng để biện minh cho hành vi vi phạm giao thông.

Khi bị CSGT lập biển bản xử phạt hành chính, hầu hết người vi phạm đều có lý do riêng để biện minh cho hành vi vi phạm giao thông.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm giao thông theo nghị định 168/2024, đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM. cho biết, trong hai ngày thực hiện nghị định mới, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý 3.247 trường hợp vi phạm, thu về số tiền xử phạt dự kiến hơn 12 tỷ đồng.

Cụ thể, CSGT TP.HCM đã xử phạt 3.247 trường hợp, tạm giữ 4 ô tô, 1.232 xe máy và 29 phương tiện khác, đồng thời tước giấy phép lái xe đối với 625 trường hợp.

Theo PC08, các lỗi vi phạm chủ yếu bao gồm: 1.059 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 300 trường hợp vi phạm tốc độ, 71 trường hợp đi vào đường cấm, 57 trường hợp đi ngược chiều, 136 trường hợp không đi đúng phần đường, và 182 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

Một số lỗi nghiêm trọng khác như điều khiển phương tiện trong tình trạng có chất ma túy cũng được phát hiện, với 15 trường hợp bị xử lý.

Trong quá trình tuần tra, CSGT TP.HCM cũng đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm đáng chú ý.

https://vtcnews.vn/tp-hcm-nhieu-nguoi-van-than-nhien-leo-le-duong-chay-nguoc-chieu-gio-cao-diem-ar918109.html

Lương Ý / VTC News