Nhiều năm nay TP.HCM triển khai nhiều giải pháp, sửa chữa, nâng cấp hàng loạt tuyến đường nhưng cứ nơi này thoát ngập thì nơi khác lại…ngập hơn.
Tái diễn nhiều điểm ngập
Những ngày gần đây, nhiều tuyến đường tại TP.HCM lại ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Nặng nhất là các tuyến đường: Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội (TP Thủ Đức), đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Bùi Quang Là (quận Gò Vấp), đường Trần Xuân Soạn (quận 7)...
Sau cơn mưa lớn nhiều tuyến đường trung tâm TP ngập nặng
Triển khai loạt dự án hàng chục nghìn tỷNgoài dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung triển khai nhiều dự án khác, trong đó có dự án xây dựng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với số vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng; xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè hơn 7.000 tỷ đồng; dự án thoát nước mưa và nước thải TP.HCM vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng; dự án nạo vét, cải tạo môi trường ven rạch Xuyên Tâm vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng; cải tạo kênh Hy Vọng gần 2.000 tỷ đồng; cải tạo các trục tiêu thoát nước chính: Rạch Văn Thánh (1.200 tỷ đồng), Xóm Củi (1.000 tỷ đồng), Bà Lớn (1.850 tỷ đồng)…
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều 25/6, sau cơn mưa lớn chừng 1 tiếng, đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn trước khu dân cư Gia Hòa) gần như chìm trong biển nước.
Các tuyến đường xung quanh như đường số 8, 9, 471 nước ngập sâu cả mét. Giao thông cũng tắc nghẽn do nhiều người dừng lại trên đường để chờ nước rút.
Đáng nói, đây là tuyến đường đã được nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập trước đó vài năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đoạn đường này vẫn ngập như thường.
Tương tự, đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) cũng được thành phố nâng cấp mặt đường, thay cống hộp lớn để chống ngập vào năm 2021. Thế nhưng, chỉ chưa tới 1 năm sau, cảnh ngập nước vẫn tái diễn, dù đã được vớt rác, vét bùn thông cống.
Không phủ nhận là nỗ lực của chính quyền thành phố khi đã chống ngập được một số khu vực trước đây được xem là “rốn ngập” như đường: Nguyễn Hữu Cảnh, 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Bùng Binh Cây Gõ, Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải...
Thế nhưng ở các tuyến đường khác lại ngập nặng hơn như đường: Lã Xuân Oai, Tô Ngọc Vân, QL13, Đỗ Xuân Hợp, các tuyến xung quanh chợ Thủ Đức...
Ám ảnh vì buổi chiều nào mưa là ngập đường, bà Phạm Thị Hiếu, ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức chia sẻ: “Sau cơn mưa nước ngập như sông ở các đường Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội. Đây là đoạn đường tôi phải đi đón con hàng ngày nên không tránh được, có hôm xe bị chết máy, hỏng do ngập nước rất khổ sở. Thành phố có giải pháp nào cho người dân được nhờ chứ cảnh ngập nước bao nhiêu năm nay vẫn không thay đổi, chống chỗ này lại ngập chỗ kia”.
Xây hồ điều tiết chống ngập?
Đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức ngập nước sau mưa
Lý giải việc nhiều tuyến đường bị ngập nước, đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, nguyên nhân gây ngập chủ yếu là do cao độ mặt đường thấp hơn đỉnh triều.
Các tuyến đường bị ngập do triều chạy song song với các nhánh sông, rạch. Triều dâng cao tràn qua bó vỉa, xâm nhập lên mặt đường gây ngập. Trong khi đó, các tuyến đường có hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp…
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, những nguyên nhân nói trên không mới. Tuy nhiên, do mật độ xây dựng, bê tông hóa quá cao trong thành phố nên khi mưa xuống, nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống chỗ thấp sẽ gây ngập.
“Trung tâm chống ngập đang tập trung vào việc cố gắng giảm các điểm bị ngập nhưng bao nhiêu năm vẫn không hiệu quả, xóa chỗ này lại xuất hiện chỗ khác. Vấn đề chính là nước mưa trên trời rơi xuống, phải đưa chúng ra lại kênh rạch mà không làm ảnh hưởng đến đô thị”, ông Sơn nhận định.
Vì thế, theo ông Sơn, quan trọng nhất hiện nay không phải là giải quyết từng điểm ngập mà là vấn đề thoát nước cho toàn thành phố. Cần điều chỉnh tốc độ chảy, hướng chảy và có những khu vực tạm chứa nước để bơm ra sông.
“Khi xây dựng quy hoạch không gian ngầm ở khu trung tâm thành phố nên tính toán phương án xây dựng hồ điều tiết để hỗ trợ chống ngập.
Không gian ngầm không chỉ có chức năng thương mại, bãi đậu xe mà sẽ có không gian làm hồ điều tiết. Khi mưa xuống, nước không thoát kịp ra sông thì sẽ trữ ở hồ điều tiết, tạnh mưa nước từ từ chảy ra sông thì khu trung tâm sẽ không ngập”, ông Sơn góp ý.
PGS. TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu, thuộc ĐHQG TP.HCM cũng cho rằng, khi phê duyệt các dự án chung cư, khu đô thị, cơ quan chức năng cần tính đến khả năng trữ và tiêu thoát nước bằng cách xây hồ điều tiết để bảo đảm chống ngập cục bộ, hạn chế dồn nước ra bên ngoài.
“Đây là điều kiện cần để được phê duyệt dự án trước khi khởi công”, ông Phi đề xuất.
Trong khi đó, GS. TSKH. Lê Huy Bá, Khoa Quản lý môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Việc làm hồ điều tiết chống ngập tôi đã nói cách đây 20 năm. Thành phố có thể làm hồ điều tiết trong các công viên, chọn chỗ trũng để thu gom nước lại.
Đặc biệt cần cải tạo kênh rạch, điều tiết hồ tự nhiên và các kênh rạch bị lấn chiếm. Hiện nay có tới 17% kênh rạch bị lấn chiếm làm nhà ở, cần cương quyết giải tỏa”, ông Bá nói.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập của TP, nhất là dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1, hay còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), chậm nhất vào đầu năm 2023 phải đưa vào vận hành.
Dự án này gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn, với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Dự án khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ lùi lại nhiều lần.
https://www.baogiaothong.vn/tphcm-van-loay-hoay-tim-giai-phap-chong-ngap-d557771.html