11 nước đã thống nhất tên gọi mới cho Hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhiều tính toán cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi, dù rằng lợi ích này nhỏ hơn rất nhiều khi thiếu Mỹ.
Việt Nam vẫn có lợi
Bên lề tuần lễ cấp cao APEC 2017, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng từ ngày 8-10/11 để thảo luận về việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Các bộ trưởng trong phiên họp những ngày vừa qua tại Đà Nẵng đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đồng thời các bên ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng “giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP” nhưng cho phép các nước thành viên “tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ” để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Trao đổi với PV.VietNamNet về việc 11 nước đạt được thỏa thuận CPTPP, TS Đỗ Đức Định – chuyên gia tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - đánh giá: Đây là kết quả tích cực. Dù rằng CPTPP gồm 11 nước sẽ không mạnh như khi có Mỹ nhưng đó vẫn là tín hiệu tích cực.
“Riêng với Việt Nam, nếu tham gia TPP 12 thì chúng ta được hưởng lợi lớn, giờ thì mức lợi thu được khi không có Mỹ sẽ nhỏ hơn”, TS Đỗ Đức Định đánh giá.
GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: Nhân APEC Đà Nẵng, 11 nước bàn bạc với nhau và đi đến thỏa thuận ra đời của CPTPP là tín hiệu đáng mừng. Sau này có thể chứng minh cho Mỹ thấy không có Mỹ khối này vẫn thành công. Trong số 11 nước tham gia CPTPP, cũng có nhiều nước đóng vai trò quan trọng và là các nền kinh tế lớn.
Phân tích kỹ hơn tác động của TPP 11 đến Việt Nam, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia đã tính toán một loạt con số cụ thể.
TS Trần Toàn Thắng cho rằng: Kết quả phân tích cho thấy Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số định lượng khi có TPP 11. Chẳng hạn, với TPP 11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP 12 là 6,7%. Xuất khẩu với TPP 11 tăng thêm 4%, trong khi TPP 12 khoảng 15%. TPP 11 làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP 12 tăng nhập khẩu 10,5%.
“Điều đó có nghĩa so với TPP 12 mức độ hưởng lợi của Việt Nam trong TPP 11 giảm rất nhiều do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ”, TS Trần Toàn Thắng nhận định.
Dù mức lợi ích TPP 11 đem lại cho Việt Nam không lớn như TPP 12, nhưng TS Trần Toàn Thắng cho rằng tham gia TPP 11 vẫn tốt hơn là không có gì.
Bởi bất kì Hiệp định nào khi tham gia hay không tham gia đều có mặt lợi – hại nào đó. Ví dụ tham gia thì Việt Nam có thể mở rộng được thêm thị trường xuất khẩu. Bởi các nước bên kia bờ Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru, Chi Lê là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại. Một số ngành như dệt may, da giày, một số ngành thâm dụng lao động khác Việt Nam vẫn được lợi, vẫn tăng xuất khẩu trong khối TPP 11.
Liệu Mỹ có trở lại TPP?
TPP có Mỹ mang nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Thế nên tại cuộc họp báo ngày 11/11, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hé lộ rằng: Các bên đạt được đồng thuận nhờ có chung mục tiêu chung là phải đạt được TPP-11 nhằm kêu gọi Mỹ quay trở lại.
Liệu điều ấy có diễn ra? GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Xu hướng tự do hóa thương mại không phải nước nào cũng ngoài cuộc được. Tương lai CPTPP có thể không phải chỉ dừng lại ở 11 nước mà còn kết nạp thêm một số nước khác”, GS Đặng Đình Đào nhận định.
Thậm chí, GS Đặng Đình Đào phỏng đoán: Biết đâu ngày nào đó Mỹ quay trở lại. Khả năng đó là có thể.
TS Đỗ Đức Định cũng cho rằng phải tính đến triển vọng của “TPP 11”. “Có thể bây giờ là 11 nước, nhưng không loại trừ khả năng vài năm tới lại là 12, hoặc hơn”, ông Định nói và cũng để ngỏ việc Mỹ quay lại TPP.
Tại một hội thảo về dệt may mới đây, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhắc đến tương lai TPP. Ông kể rằng: Tại một hội nghị, khi có đại biểu hỏi liệu 1-2 năm tới Mỹ có trở lại TPP không? Hầu như tất cả đều trả lời “NO”. Nhưng khi chủ tọa hỏi 5 năm nữa thì sao? Hầu như tất cả đều nói “YES”.
TPP bắt đầu được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Quá trình đàm phán đã được hoàn tất vào tháng 10/2015. Đến tháng 11/2015, toàn văn Hiệp định đã được tất cả các nước thành viên đồng loạt công bố. TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định này. |
Thủ tướng Canada lý giải việc vắng mặt tại cuộc họp TPP Ông Justin Trudeau khẳng định trách nhiệm đảm bảo các thỏa thuận mình ký là hợp đồng đúng đắn cho người Canada và mang lại ... |
Đạt bước tiến quan trọng, \'TPP không có Mỹ\' đổi tên mới Các bộ trưởng trong phiên họp những ngày vừa qua tại Đà Nẵng đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Đối tác Tiến ... |
TPP-11: Đêm xoay chuyển và tương lai chưa xác định Nửa đêm qua (10/11), Canada đã thông báo rằng TPP-11 nước thành viên TPP đã đạt được thoả thuận về “những phần cốt lõi” cho ... |