Những đồ uống dân dã như trà sữa, cà phê đang được Bộ Tài chính đề xuất gom vào để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với bia, rượu, thuốc lá, dịch vụ massage, karaoke...
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều mặt hàng bị cho là không hợp lý |
Không nước nào đánh thuế trà, cà phê
Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến tại dự án luật sửa đổi 5 luật thuế vừa công bố, các loại nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao; trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.
"Thuốc lá là tác nhân gây ung thư, nhậu nhẹt rượu mạnh có thể say xỉn dẫn đến gây tai nạn, chết người nên đánh thuế cao để hạn chế. Nhưng không ai đi đánh thuế cao trà với cà phê hòa tan cả" Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất: một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, cơ quan này nghiêng về phương án đầu tiên hơn.
Đề xuất trên của Bộ Tài chính khiến nhiều người dân, đặc biệt là dân văn phòng tỏ ra khá ngạc nhiên. Lâu nay trà, cà phê là những sản phẩm mà nhiều người thường dùng giúp tỉnh táo hơn khi làm việc. Đó cũng là đồ uống rất đỗi dân dã, bình thường, không có gì nguy hại như bia, rượu, thuốc lá để có thể đánh thuế TTĐB.
Tăng thuế thì tăng giá, mà tăng giá thì đều tính vào chi phí giá thành dịch vụ, người dân khó thể chấp nhận.
Trước câu hỏi, có nước nào đánh thuế TTĐB với trà, cà phê gói không, một cán bộ của Bộ Tài chính thừa nhận các nước chỉ thu thuế TTĐB với nước ngọt có ga hoặc nước ngọt không có ga, theo tỷ lệ khác nhau mức thuế suất thấp là 10%. Các nước ASEAN có Thái Lan đã thu đối với nước ngọt, còn một số quốc gia khác thì đang đề xuất, chứ không có quy định cụ thể là trà hay cà phê.
Thuế chồng thuế
Thuế TTĐB đánh vào các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm tác hại đến sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, còn đánh vào đồ uống bình thường, tiêu dùng hằng ngày như cà phê đóng gói, trà... theo chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long sẽ khiến các mặt hàng này bị đội giá. Đơn cử như một hộp cà phê giá 50.000 đồng, nếu áp thuế 10% tăng thêm 5.000 đồng, áp 20% tăng thêm 10.000 đồng. Đánh thuế như vậy theo ông Long sẽ khiến thuế chồng thuế, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng chịu gánh nặng vô cùng lớn.
Chuyên gia này thẳng thắn đề xuất, đối với các mặt hàng như thuốc lá và rượu mạnh nên đánh thuế, thậm chí đánh thuế thật cao vì đây là 2 sản phẩm nguy hại tới sức khỏe con người. Tại các quốc gia phát triển, thuế đối với thuốc lá, rượu mạnh lên tới 100%, thậm chí 150% nhưng họ cũng không đánh thuế cà phê, trà và thậm chí nước ngọt có ga, không cồn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải đề nghị thẳng Bộ Tài chính không nên đánh thuế TTĐB đối với các mặt hàng này. Bởi hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới sau thời gian nghiên cứu, áp dụng đã hủy bỏ vì họ không thấy những tác động tiêu cực tới người dân, xã hội thậm chí nó còn tăng chi phí của DN, gây áp lực đối với cuộc sống của người dân.
“Tôi xin đại diện VAFI kiến nghị thẳng tới Bộ trưởng Tài chính là nên đề xuất chính sách căn cơ hơn như cắt giảm chi tiêu công lãng phí, tiết kiệm ngân sách thay vì cứ tận thu thuế. Trà, cà phê... đã chịu thuế giá trị gia tăng nay lại còn đánh thêm thuế TTĐB thì quá bất hợp lý”, ông Hải đề nghị.