Mới đầu năm mà nhiều nơi ở ĐBSCL đã rộ lên phong trào kêu gọi “giải cứu” cam sành giúp nông dân tỉnh Vĩnh Long.

Thường là khoảng giữa năm ĐBSCL mới bước vào thu hoạch cây trái chính vụ. Và hầu như năm nào cũng vậy, không loại trái cây này thì loại trái cây kia, đều gặp phải tình trạng được mùa mất giá, trông chờ… giải cứu.

Trái cây miền Tây: Khi nào mới thôi… giải cứu? 1

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Long tiêu thụ cam sành.

Cam sành có đặc điểm là cho trái quanh năm, nông dân thường “khiển” cây cho thu hoạch vào thời điểm trước và sau Tết vì bán được giá cao.

Năm nay lại khác. Cam sành của nhà vườn tỉnh Vĩnh Long bí bách đầu ra, giá bán tại chỗ khoảng 2.000 đồng/kg nhưng không có thương lái thu mua được cho là sản xuất không bắt nhịp với nhu cầu của thị trường và quy luật cung cầu.

Loại trái cây này chủ yếu được tiêu thụ trong nước, nhiều nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó nhiều địa phương ở miền Bắc và miền Trung cũng trồng được loại trái cây tương tự, chất lượng không thua kém cam sành của Vĩnh Long và các tỉnh ĐBSCL nên gặp phải tình trạng đùn hàng, dội chợ.

Trái cây miền Tây: Khi nào mới thôi… giải cứu? 2

Cam sành tại Vĩnh Long đã vào vụ thu hoạch nhưng rất ít thương lái đến thu mua.

Theo ngành chức năng địa phương, số lượng cam sành đến kỳ thu hoạch còn trong các nhà vườn tỉnh Vĩnh Long lên đến khoảng 80.000 tấn.

Tuy mang nhiều ý nghĩa tích cực nhưng ai cũng hiểu các phong trào “giải cứu” trái cây không thể giải quyết được những khó khăn mà nông dân đối mặt.

Đó là chưa nói đến việc có người còn nhân danh “giải cứu” để làm gian thương, lấp liếm trong giá cả và chất lượng, lựa chọn hàng đẹp ra bán riêng, đẩy sản phẩm trái cây thứ cấp đến tay người tiêu thụ khiến ý nghĩa của phong trào bị ảnh hưởng.

Khi có hiện tượng sản xuất không theo sự điều chỉnh của thị trường, nhìn lại mới thấy “bản đồ” quy hoạch diện tích trồng cam sành của tỉnh Vĩnh Long bị chính nông dân phá vỡ, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Theo quy hoạch đến năm 2025, diện tích cam sành của tỉnh đạt 15.000ha nhưng hiện nay người dân đã đi trước, tự ý mở rộng lên đến 17.000ha.

Trái cây miền Tây: Khi nào mới thôi… giải cứu? 3

Giá cam đang xuống thấp nhưng bị tuyển lựa rất kỹ, tỉ lệ dạt bỏ cao khiến nông dân càng thêm thiệt hại.

Không riêng gì Vĩnh Long, cách nay 10 năm, nông dân ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng cũng không tuân thủ quy hoạch, bỏ lúa trồng cam sành.

Và không riêng gì với cây cam sành, nhiều loại cây khác như mít, mận, xoài, ổi, thanh long… cũng từng được nông dân ĐBSCL đua nhau trồng vì cái lợi trước mắt.

Tiếp xúc với nông dân mới hiểu, không phải họ muốn… phá vỡ quy hoạch mà vì lợi nhuận từ loại cây trồng đang chạy theo hấp dẫn quá, trong khi nhìn quanh quẩn không thấy loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Biết rằng rủi ro nhưng cứ coi như… đánh bạc, bỏ vốn đầu tư rồi phập phồng nghe ngóng thị trường, cầu mong trúng mùa, được giá.

Còn chuyện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu trái cây đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời đại hội nhập thì vẫn xa vời với đa số nông dân vốn quen tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Trái cây miền Tây: Khi nào mới thôi… giải cứu? 4

Phá quy hoạch, cam sành hạ giá thê thảm.

Không ai muốn làm ra sản phẩm để rồi nhờ người tới “giải cứu”, với người nông dân ĐBSCL cũng vậy. Nhưng trong điều kiện sản xuất - tiêu thụ và sở hữu các giống cây trồng vốn ít có bước phát triển đột phá về chất lượng, thiếu sức cạnh tranh thì chuyện giải cứu sẽ còn tiếp diễn.

https://www.baogiaothong.vn/trai-cay-mien-tay-khi-nao-moi-thoi-giai-cuu-d582249.html

Hồng Hiếu / Giao thông