Nếu bị kiểm soát trong phạm vi càng rộng thì nguy cơ bị ảnh hưởng tới các nước có quyền lợi liên quan sẽ càng cao...
Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội bày tỏ lo ngại trước thông tin Trung Quốc vừa xây dựng hoàn tất một trạm ăngten thực nghiệm khổng lồ trên khu đất có diện tích rộng gần gấp 5 lần thành phố New York.
Ăngten khổng lồ Trung Quốc xây dựng tại Argentina.
Ông Trường cho biết, về đánh giá tác động liên quan tới sức khỏe, con người thì cần phải có sự vào cuộc của các tổ chức nghiên cứu y tế thế giới.
Tuy nhiên, bình luận dựa trên góc độ an ninh quốc phòng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội phân tích mấy vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, ông đề cập tới mục đích của trạm ăngten khổng lồ này được cho là mang mục đích dân sự lẫn quân sự. Đặc biệt với bước sóng radio tần số thấp có thể truyền đến tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển, khó bị gây nhiễu và giảm rủi ro bị phát hiện so với trường hợp tàu phải trồi lên để bắt tín hiệu.
Theo ông Trường, những nước có điều kiện kinh tế phát triển thường rất chú trọng tới đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ. Rất nhiều nước đã ứng dụng công nghệ vũ trụ, công nghệ vệ tinh nhằm mục đích nghiên cứu, khám phá không trung vì mục đích hòa bình.
Kể cả Trung Quốc, chính giới chức Mỹ cũng từng lo lắng khi nước này bắt đầu vận hành hệ thống anten cực lớn tại Argentina.
Được biết, trạm giám sát quan trắc không gian có anten parabon đường kính tới 35 mét, nặng 450 tấn, chiều cao bằng tòa nhà 16 tầng, được quân đội Trung Quốc chi ra 50 triệu USD xây dựng đã bắt đầu chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 3/2018, được coi là đóng vai trò quan trọng trong chương trình thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đó cũng có nhiều suy đoán Trung Quốc xây dựng trạm này để nâng cao năng lực thu thập tình báo ở châu Mỹ.
"Khi xây dựng các dự án các nước đều giải thích vì mục đích hòa bình. Nhưng, thực tế, nếu nước nào làm chủ được các công nghệ vệ tinh, công nghệ vũ trụ thì cũng có khả năng quán xuyến toàn bộ các hoạt động quân sự lớn, hoặc các hoạt động tình báo mà các nước đó muốn có thông tin trước.
Những suy đoán trên cũng không nằm ngoài khả năng của trạm ăngten thực nghiệm khổng lồ mà Trung Quốc vừa xây dựng. Với trạm thu - phát sóng có bước sóng thấp như vậy thì hoàn toàn có khả năng trạm ăngten này sẽ thu phát sóng được tín hiệu của các phương tiện qua lại trong nước và cả của các nước khác.
Vì thế, để đánh giá chính xác về sự án này thì cần phải có số liệu đánh giá rất cụ thể về tầm hoạt động của trạm thu - phát sóng đó đến mức độ nào? Tần số phát sóng bao nhiêu? thì mới có đánh giá về tầm ảnh hưởng của dự án này như thế nào", ông Lê Việt Trường cho biết.
Đối với Việt Nam, ông Trường cho rằng, Việt Nam có biên giới bờ biển dài, lại tiếp giáp với Trung Quốc thì Việt Nam cần phải có sự quan tâm đặc biệt tới từng nhất cử, nhất động của Trung Quốc trong việc đánh giá sự ảnh hưởng của trạm ăngten này.
"Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam nếu trạm thu - phát sóng trên có thể kiểm soát được các hoạt động trong một phạm vi rộng lớn. Nếu bị kiểm soát trong phạm vi càng rộng lớn thì nguy cơ bị ảnh hưởng tới các nước có quyền lợi liên quan sẽ càng cao. Đặc biệt là các vấn đề về an ninh quốc phòng phải luôn được quan tâm, chú ý, trong trường hợp có những tác động bất thường, Việt Nam và các nước cũng phải có đối sách kịp thời", ông Trường chỉ rõ.
Liên quan tới dự án, tờ báo SCMP của Hong Kong cho biết, dự án có tên gọi Phương pháp điện từ không dây (WEM) của Trung Quốc mất 13 năm ròng để xây, và các nhà nghiên cứu xác nhận nó đã sẵn sàng hoạt động theo thiết kế - tức phát ra sóng radio tầng số cực thấp hay còn gọi là sóng ELF.
Trả lời báo SCMP, ông Chen Xiaobin - nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất và cơ quan động đất Trung Quốc, cho biết cơ sở này sẽ được dùng cho các nhiệm vụ quân sự quan trọng nếu chiến tranh nổ ra.
Cấu trúc mặt đất chính của dự án WEM là một cặp đường dây điện cao thế chạy từ bắc xuống nam, từ đông sang tây tạo thành một hình chữ thập ngang 60km và dài từ 80-100km.
Cuối mỗi đường dây là một sợi dây đồng lớn xuyên thẳng xuống lòng đất. Hai trạm phát điện công suất lớn phóng điện xuống lòng đất theo nhịp chậm và đều đặn, biến cả khu vực thành một nguồn phát bức xạ điện từ.
Sóng radio không chỉ lan trong không khí mà còn xuyên qua vỏ Trái đất trong phạm vi lên đến 3.500km - bằng khoảng cách từ Trung Quốc đến Singapore hoặc đảo Guam. Bất cứ thiết bị cảm biến nào nằm trong khoảng cách đó sẽ nhận được tín hiệu.
Tới nay, thông tin về dự án vẫn là tuyệt mật ngoài mục đích bảo vệ cơ sở chiến lược, vài nhà nghiên cứu nhận định chính quyền Trung Quốc còn muốn tránh gây tâm lý hoang mang trong người dân.
Sóng ELF tầng số từ 0,1-300 hertz do trạm ăngten này phát ra có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước đây từng cảnh báo sóng ELF "có thể gây ung thư ở người".
Video: Tên lửa Nhật Bản bất ngờ rơi ngược lại bệ phóng, phát nổ kinh hoàng Ban đầu, tên lửa thuận lợi rời bệ phóng. Nhưng chỉ vài giây sau, nó rơi ngược trở lại rồi phát nổ khủng khiếp, thiêu ... |