Việc xây 4 cây cầu để tăng thêm 16 năm thu phí ở trạm BOT An Sương - An Lạc là thuộc thành phần của dự án chứ không phải bổ sung
Xung quanh việc thu phí dự án BOT đoạn Quốc lộ 1 qua An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM) đang được dư luận quan tâm, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) - nhà đầu tư dự án, để làm rõ hơn các vấn đề.
Thu phí thấp hơn dự tính ?!
Phóng viên: Lẽ ra, việc thu phí BOT đoạn An Sương - An Lạc đã kết thúc vào ngày 31-1-2017 nhưng sau đó, dư luận mới biết là tới năm 2033 do giai đoạn 2 của dự án xây dựng thêm 4 cây cầu. Vậy việc xây dựng 4 cây cầu này dựa trên cơ sở nào để thu phí hoàn vốn là 16 năm, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỒNG NINH: Khi xây dựng dự án BOT, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền đã tính toán tất cả yếu tố về nguồn vốn và chi phí liên quan đến sửa chữa, duy tu, vận hành, lương nhân công… Từ những yếu tố này sẽ đưa ra tổng chi phí rồi trừ đi tổng doanh thu, chia lại thời gian mức thu phí tạm tính. Trong quá trình vận hành còn căn cứ vào lưu lượng xe, tốc độ tăng trưởng của các phương tiện, doanh thu thực tế của trạm. Kết quả sản xuất - kinh doanh, việc đầu tư đều được kiểm toán hằng năm, nếu không sát với dự tính ban đầu thì sẽ xem xét điều chỉnh.
Trạm BOT An Sương - An Lạc thu phí đến năm 2033 đang làm nóng dư luận những ngày qua Ảnh: GIA MINH
Trong 4 cây cầu xây mới thì có 2 cầu IDICO-IDI tự thi công. Việc này có phù hợp quy định không, khi dư luận nghi ngờ dự án có thể bị "đội" vốn để tính vào thời gian thu phí của toàn bộ dự án BOT?
Không phải tách rời "Một số người nói rằng tôi đi ở dưới chứ không qua cầu, tại sao vẫn thu phí? Như vậy là không chính xác bởi trong giai đoạn này đang thu phí các hạng mục của dự án, không phải tách rời" -ông Nguyễn Hồng Ninh giải thích. |
- Theo quy định, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có BOT, khi được phê duyệt, trách nhiệm triển khai là của nhà đầu tư. Với dự án BOT An Sương - An Lạc, trước đây khi thực hiện, đơn vị đánh giá nếu thuê ngoài thì chi phí cao hơn, không bảo đảm tiến độ. Trong khi đó, bản thân IDICO-IDI là liên doanh gồm 3 đơn vị: Công ty Xây dựng Dầu khí, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 và 6 (Cienco 8 và Cienco 6) nên chúng tôi đã tự tổ chức thực hiện 2 cầu vượt Hương lộ 2 và Gò Mây.
Về việc tự thi công, chúng tôi đánh giá có lợi rất nhiều khi 2 cây cầu này được phê duyệt là thi công 12 tháng nhưng thực hiện chỉ mất 6 tháng. Trong khi đó, 2 cầu vượt còn lại ở Tỉnh lộ 10 và 10B tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu thi công thì thực hiện mất tới 18 tháng. Với việc tự tổ chức thi công, IDICO-IDI chủ động được rất nhiều, đồng thời không để "lọt" tài chính của dự án khi ứng tiền làm.
Trạm BOT An Sương - An Lạc thu phí được bao nhiêu mỗi ngày?
- Mỗi ngày, trạm BOT An Sương - An Lạc thu trung bình khoảng 904 triệu đồng, thấp hơn dự tính ban đầu trong hợp đồng là 970 triệu đồng. Tuy nhiên, lưu lượng xe tại đây cũng luôn biến động và đặc điểm tại trạm này là vắng khách những ngày chủ nhật và lễ, Tết, khi chỉ đạt khoảng 50% so với ngày thường.
Năm 2019 sẽ kiểm toán dự án
Với mức thu như trên, ông có thể tính toán dự trù ban đầu về thời gian hoàn thành thu phí để hoàn vốn sớm hơn hoặc trễ hơn 16 năm?
- Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2013 nhưng phải đến năm 2017 mới bắt đầu thu phí, thời gian dự kiến hoàn vốn vào năm 2033. Tuy nhiên, mốc thời gian này chỉ là dự kiến, được tính toán theo quy định về tài chính. Lãi suất ngân hàng cùng việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành, tiền nhân công…, đều là các chi phí trong doanh thu dự án.
Nhiều người tính toán với 16 năm, doanh thu dự án này sẽ hơn 5.000 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với vốn đầu tư đã bỏ ra. Tuy nhiên, trong mức thu đó còn bao gồm khoảng 3.800 tỉ đồng trả tiền vay ngân hàng. Mặt khác, còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá như: các quy định, chính sách, thuế…, từ đó điều chỉnh phương án tài chính.
Trừ tất cả yếu tố nói trên sẽ ra khoản lãi của nhà đầu tư theo quy định, khi thu đủ lãi suất theo hợp đồng thì sẽ giảm thời gian thu phí. Còn trường hợp chưa đủ thì các bên sẽ xem xét có tăng thời gian thu phí hay không hoặc thành phố phải trả cho nhà đầu tư khoản tiền bị chênh lệch.
Tại dự án BOT An Sương - An Lạc, kết quả sản xuất - kinh doanh, đầu tư của đơn vị đều được kiểm toán hằng năm nhưng kết quả cuối cùng để chốt lại cụ thể thì Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán. Việc này sẽ thực hiện trong năm 2019.
Bốn cây cầu mới trên tuyến thuộc thành phần của dự án BOT An Lạc - An Sương hay là bổ sung sau khi việc thu phí kết thúc vào năm 2017?
- Trong dự án BOT đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 từ An Sương - An Lạc được phê duyệt, toàn bộ tuyến An Sương - An Lạc gồm 6 cầu và 6 nút giao. Các nút giao được Bộ GTVT xác định giai đoạn đầu là nút giao đồng mức, giai đoạn sau là nút giao khác mức.
Việc không xây các cây cầu trong thời gian đầu, lý do là lưu lượng xe ít. Tuy nhiên, áp lực giao thông sau đó liên tục gia tăng nên chúng tôi thực hiện giai đoạn 2, tức là xây cầu. Xin nói rõ hơn, những cây cầu này là một thành phần của dự án chứ không phải bổ sung.
BOT An Sương - An Lạc: Không đi vẫn phải trả tiền? Đầu tư giai đoạn 2 của chủ đầu tư BOT An Sương - An Lạc dẫn đến tình trạng nhiều xe không đi vẫn phải ... |
Có thể rút ngắn thời gian thu phí trạm BOT An Sương - An Lạc “Trạm BOT An Sương-An Lạc, dự kiến thu phí từ 1/2017 đến 1/2033, tuy nhiên, căn cứ doanh thu Sở GTVT TP sẽ điều chỉnh ... |
GIA MINH thực hiện