Những mảnh vỡ từ trạm Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn của Trung Quốc bốc cháy trong khí quyển có thể biến thành loạt cầu lửa trên bầu trời.

tram vu tru trung quoc co the tao mua cau lua khi roi xuong trai dat
Trạm vũ trụ Thiên Cung được dự đoán sẽ bốc cháy phần lớn trong khí quyển. Ảnh: CNN.

Nếu bầu trời quang đãng, những người quan sát trên Mặt Đất có thể trông thấy một loạt cầu lửa bay ngang qua bầu trời do trạm vũ trụ Thiên Cung 1 tạo ra khi rơi trở lại khí quyển, theo Markus Dolensky, giám đốc kỹ thuật ở Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế tại Australia. "Trạm đang tiến gần đến kết cục đáng sợ khi ngày càng hạ thấp dần xuống rìa tầng thượng quyển của Trái Đất", CNN hôm 26/3 dẫn lời Dolensky.

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc đang mất kiểm soát và được dự đoán sẽ rơi xuống Trái Đất trong vài ngày tới, theo ước tính mới nhất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Văn phòng Mảnh vỡ Không gian thuộc ESA cho biết thời gian rơi trở lại Trái Đất của trạm Thiên Cung 1 là giữa ngày 30/3 và 2/4, dù ước tính này có khoảng dao động lớn.

Cơ quan Công trình Thám hiểm Không gian có người lái Trung Quốc dự đoán trạm sẽ rơi trở lại khí quyển trong thời gian từ ngày 31/3 đến 4/4 và bốc cháy trong quá trình rơi. Theo báo cáo của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng 5 năm ngoái, trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn này ngừng hoạt động vào ngày 16/3/2016.

Các chuyên gia vũ trụ nhấn mạnh nguy cơ Thiên Cung 1 gây ra với con người rất nhỏ, bởi khả năng mảnh vỡ từ trạm rơi trúng con người chưa đến 0,0000000001%. Tuy nhiên, Alan Duffy, nghiên cứu sinh ở Trung tâm Vật lý thiên văn và Siêu máy tính ở Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, cho biết thông tin về trạm vũ trụ được Trung Quốc giữ kín khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn.

"Cộng đồng quốc tế không biết trạm cấu tạo từ vật liệu gì. Điều đó khiến việc dự đoán nguy cơ trở nên khó khăn hơn bởi bình chứa nhiên liệu có thể rơi xuống đất trong khi những tấm ốp siêu nhẹ thì không", Duffy nói.

Trạm Thiên Cung 1 dài hơn 12 m được phóng lên vũ trụ vào tháng 9/2011. Cùng với trạm Thiên Cung 2 phóng vào năm 2016, đây là mẫu thử nghiệm cho mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là xây dựng một trạm vũ trụ 20 tấn hoạt động vĩnh cửu trên quỹ đạo.

Hồi tháng 1, Zhu Zongpeng, kỹ sư thiết kế chính của Thiên Cung 1, cho biết Trung Quốc đang theo dõi trạm vũ trụ này. Zhu dự đoán phần lớn trạm sẽ bốc cháy khi bay qua khí quyển trong khi phần còn lại rơi xuống biển. Từ ngày 14/3, Trung Quốc liên tục cập nhật về độ cao của trạm. Hôm 25/3, trạm Thiên Cung 1 ở độ cao trung bình 216,2 km, giảm từ mốc 286,5 km vào ngày 24/12/2017.

Lần gần nhất một trạm vũ trụ rơi xuống Trái Đất là trạm Mir 135 tấn của Nga vào năm 2001. Đó là một vụ rơi có kiểm soát với phần lớn các bộ phận bốc cháy trong khí quyển và mảnh vỡ sót lại rơi xuống đại dương. Trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ là trạm Skylab nặng 74 tấn rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất năm 1979. Một số mảnh vỡ rơi rải rác ở khu vực dân cư thưa thớt thuộc bang Western Australia, Australia và không gây ra thiệt hại nào.

tram vu tru trung quoc co the tao mua cau lua khi roi xuong trai dat

Cách quan sát trạm không gian 8,5 tấn đang rơi vô định về Trái Đất

Những hình ảnh cuối đời của trạm không gian Thiên Cung 1 sẽ được phát sóng trực tiếp từ 19h ngày 28/3 (giờ Việt Nam).

tram vu tru trung quoc co the tao mua cau lua khi roi xuong trai dat

Trạm không gian 9,5 tấn của TQ rơi xuống Trái Đất vài ngày tới

Trạm không gian có tên Tiangong-1 sẽ rơi xuống bầu khí quyển Trái Đất vào khoảng ngày 1/4, vỡ tan nhưng ít có khả năng ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/tram-vu-tru-trung-quoc-co-the-tao-mua-cau-lua-khi-roi-xuong-trai-dat-3729302.html

/ vnexpress.net