Để giải quyết những tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong lập, quản lý, triển khai quy hoạch tại Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

quyhoachhanoi.jpeg
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Ảnh minh hoạ.

Kịp thời thể chế hoá định hướng về quy hoạch

Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21-11-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

Sau hơn 10 năm, Luật Thủ đô đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh đó, luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lập, quản lý, triển khai quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ...

Thêm vào đó, trong giai đoạn hiện nay, các nghị quyết của Trung ương mới ban hành đã định hướng rõ vai trò của quy hoạch trong phát triển đô thị cũng như nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị… xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.

Tiếp đến, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội và khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực quy hoạch, đòi hỏi phải có các giải pháp tăng phân cấp, phân quyền để thêm tính tự chủ, chủ động cho chính quyền thành phố.

Phù hợp với thực tiễn

Ngày 10-11, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tại Điều 19 và Điều 20 dự thảo Luật; trong đó có phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố Hà Nội.

“Tương tự như các địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng của Hà Nội thường kéo dài, tạo nên độ trễ nhất định so với xu hướng, mục tiêu, định hướng và thực tiễn phát triển”, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Theo một số chuyên gia, mặc dù các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong khi quá trình triển khai quy hoạch có thể cần những điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế khách quan nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành thì sẽ tiếp tục gây chậm trễ.

Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch. UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều chỉnh cục bộ.

Trên thực tế, quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được thành phố đặc biệt coi trọng. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành chú trọng hơn nữa quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch được yêu cầu thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.

https://hanoimoi.vn/tranh-bi-dong-trong-dieu-chinh-quy-hoach-cuc-bo-thu-do-647705.html

Bảo Hân / HNM.com.vn