Trong văn học, sự thể hiện con người tự nhiên, bản năng đã trở nên bình thường nhưng đối với lịch sử và nhân vật lịch sử vẫn rất "nhạy cảm"

"Chim ưng và chàng đan sọt" - tiểu thuyết lịch sử viết về nhân vật chính Phạm Ngũ Lão, người xuất thân nông dân trở thành anh hùng, vừa đoạt giải C hạng mục sách hay trong lễ trao giải Sách quốc gia 2018. Tuy nhiên, cuốn sách đang bị dư luận chỉ trích vì những câu chữ dung tục.

Bị phản ứng vì miêu tả dung tục

Bên cạnh Phạm Ngũ Lão, cuốn tiểu thuyết còn khắc họa chân dung của Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Trong cuốn sách có đoạn tả cảnh quan hệ ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đoạn tả cảnh quan hệ tình dục này bị nhiều độc giả phản ứng, cho rằng tác phẩm đã dùng nhiều từ ngữ dung tục, suồng sã. Điều đáng nói là cuốn "Chim ưng và chàng đan sọt" trước khi đoạt giải sách hay đã đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.

Trước phản ứng của độc giả, nhà văn Nguyễn Phan Hách, Trưởng Tiểu ban Sách văn học của giải thưởng Sách quốc gia 2018 khẳng định tiểu thuyết của tác giả Bùi Việt Sỹ viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông với hành văn khoáng đạt, có sức hấp dẫn. Ông Hách cho rằng "Chim ưng và chàng đan sọt" viết đúng, không sai về mặt chính trị. Tất nhiên, cuốn sách cũng có một vài chi tiết nếu nhìn nhận khắt khe thì phản ứng vì cho rằng yếu tố nhạy cảm chưa phù hợp. Nhưng theo nhà văn này, một vài chi tiết miêu tả cảnh ân ái không ảnh hưởng đến nội dung tổng thể của cuốn sách. Hội đồng chấm giải gồm nhiều người đã xem xét kỹ lưỡng, nghiêm túc mới quyết định trao giải.

tranh cai chuyen dung tuc hoa nhan vat lich su

Bìa cuốn tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" gây tranh cãi

Phản hồi về tác phẩm của mình, nhà văn Bùi Việt Sỹ cho biết cuốn tiểu thuyết của ông được xuất bản năm 2016. Từ đó đến nay không ai có ý kiến gì, kể cả khi đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, khi cuốn sách đoạt giải C hạng mục sách hay thì lại có những ý kiến trái chiều. Tác giả cuốn sách gây tranh cãi khẳng định ân ái trong cuốn tiểu thuyết không mang tính kích dục. Yếu tố tình cảm nam nữ chỉ điểm xuyết ở một vài trang, chứ không phải nội dung chính thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Những chi tiết miêu tả chân thực chỉ muốn lột tả sự mạnh mẽ của nhân vật Trần Khánh Dư. Ông cũng mong độc giả hãy đọc và cảm nhận toàn bộ tác phẩm thay vì chỉ tập trung vào một vài chi tiết nhỏ.

Hư cấu phải có giới hạn

Trước "Chim ưng và chàng đan sọt", nhiều tiểu thuyết lịch sử khi ra mắt độc giả cũng đã gây ra những cuộc tranh luận dữ dội. Năm 2010, khi tiểu thuyết "Hội thề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, văn đàn Việt Nam cũng chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa. TS Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học, cho rằng văn xuôi hư cấu lịch sử là một trong những khu vực tạo nên sóng gió dư luận nhiều nhất. Những cuộc tranh luận nảy lửa vẫn diễn ra khi chạm đến mối quan hệ sự thật - hư cấu trong hàng loạt tác phẩm "Rồng đá" (Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai), "Trở về Lệ Chi viên" (Nguyễn Thúy Ái), "Tây Sơn bi hùng truyện" (Võ Đình Danh), "Sóng chìm" (Đình Kính), "Minh sư" (Thái Bá Lợi), "Hội thề" (Nguyễn Quang Thân) và "Dị hương" (Sương Nguyệt Minh)… Những cuộc tranh luận thường xuất phát từ 2 điểm cơ bản, đó là mức độ chân thực so với sự thật lịch sử (chính sử) và sự vênh lệch so với nhận thức/quan điểm chung của cộng đồng.

Truyện ngắn "Trở về Lệ Chi viên" bị phê phán vì đã xúc phạm danh nhân Nguyễn Trãi và bà nữ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vì những miêu tả tình dục trần trụi, sự sai lệch thời gian và tình tiết cốt truyện so với những điều được ghi trong sử sách. Dư luận cũng phản ứng với "Tây Sơn bi hùng truyện" do những hư cấu "làm méo mó" hình ảnh vị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Trong các cuộc tranh luận, mức độ chính xác của chi tiết, sự kiện lịch sử và chủ đề tư tưởng trong các tác phẩm được trao giải thưởng như "Sóng chìm", "Hội thề", "Dị hương" đều được đưa ra mổ xẻ. Cách nhà văn hư cấu nhân vật lịch sử với những chi tiết thể hiện con người trần tục, bản năng cũng bị phê phán. Thực tế là ở thời điểm hiện nay, trong văn học, sự thể hiện con người tự nhiên, bản năng đã trở nên bình thường nhưng đối với lịch sử và nhân vật lịch sử thì vẫn rất "nhạy cảm".

Nhà văn Lưu Sơn Minh - tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử được đánh giá cao, trong có có cuốn "Trần Khánh Dư" - chia sẻ nếu nhà văn viết kiểu tâm lý tình cảm thì có thể thản nhiên vu khống cho nhân vật hư cấu, còn tiểu thuyết lịch sử thì không. "Ta không có quyền bịa về một con người, nhất là những con người vẫn còn đang được thờ phụng hương khói. Nhà văn phải giữ thái độ trân trọng với văn chương, với lịch sử. Tôi vẫn nghĩ ta phải có sự nghiêm túc khi cầm bút thì những nhân vật lịch sử mới đến với mình. Điều quan trọng là người viết tiểu thuyết lịch sử phải có trách nhiệm với nhân vật. Tôi không chấp nhận sự thoải mái hư cấu, không thể bịa chi tiết thêm thắt vào một nhân vật có thật".

Người cô độc bậc nhất trong lịch sử

Nói thêm về nhân vật Trần Khánh Dư, nhà văn Lưu Sơn Minh cho rằng ông là nhân vật đặc biệt, rất ngang tàng. Triều đình hiểu rõ ông nên mới cho cai quản cảng Vân Đồn đầy rẫy nguy hiểm cạm bẫy, vừa lo biên cương lãnh thổ, giao thương, lo được cho cả đời sống đàn em… Ông có đủ thói hư tật xấu, có ngang ngược nhưng cũng đầy tài hoa. Đây là con người cô độc bậc nhất trong chính sử Việt Nam". "Sách sử thường viết về các nhân vật một chiều cứng nhắc, các nhân vật thường được thần thánh hóa. Vì thế, tôi muốn viết như cách để soi xét, đánh giá lại nhân vật. Tôi muốn kể về thân phận, con người lịch sử công bằng hơn. Tôi không có ý định bịa ra các chi tiết để minh oan cho nhân vật của mình. Tôi giữ nguyên lịch sử nhưng sắp xếp lại, lý giải các sự kiện, tư liệu cho hợp lý. Có lần tôi tới Quảng Ninh tìm tư liệu để viết tác phẩm này, tôi bắt gặp ngôi miếu thờ Trần Khánh Dư. Miếu của một nhân vật lẫy lừng vậy mà nhỏ bé hơn nhiều nơi thờ những vị tướng dưới quyền ông, lại lẻ loi chỉ một bát nhang, không vợ con thân thích bên cạnh. Tôi cảm nhận được sự cô độc của nhân vật nên khắc họa nhân vật với sự độc bước" - tác giả tiểu thuyết "Trần Khánh Dư" tâm sự

tranh cai chuyen dung tuc hoa nhan vat lich su Tranh luận dữ dội về cuốn tiểu thuyết lịch sử có yếu tố sex

Cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải Sách quốc gia "Chim ưng và chàng đan sọt" có đoạn tả cảnh ân ái giữa nhân vật ...

tranh cai chuyen dung tuc hoa nhan vat lich su \'Xé áo trong phim hài để gây cười, không phải khiêu dâm\'?

"Trong phạm vi nhất định nếu sự hở hang có thể mang lại tiếng cười và được dừng ở mức phù hợp thì tôi cho ...

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh

/ http://nld.com.vn