Các đại biểu cho rằng việc nâng tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia từ 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ là không cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong phiên họp chiều nay (9/5). Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến trái ngược trong quá trình thảo luận là tiêu chí như thế nào để phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến đại biểu quốc hội đánh giá Luật Đầu tư công hiện hành đã có quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp... Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định.
Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay chỉ có 2 dự án trình Quốc hội). Do đó, các ý kiến đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, như luật hiện hành.
Ở chiều ngược lại, Chính phủ và một số ý kiến khác lại đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp đôi so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng). Nguyên do là để đảm bảo phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật khi được thông qua sẽ phù hợp trong dài hạn.
Đối với tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tiêu chí phân loại để không có vướng mắc trong thực hiện. Nhưng có ý kiến lại cho rằng để đảm bảo phù hợp với trình độ quản lý, quy mô ngân sách địa phương,... đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án nhóm A, B, C tăng gấp 2 lần.
Thường trực cơ quan thẩm tra kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này theo 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C. Và phương án 2 là điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp đôi so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên tập trung sửa đổi những vấn đề được xem là vướng mắc trong quá trình làm luật. Luật đầu tư công cần được trình sớm để giải quyết bài toán đầu tư công đang rất chậm hiện nay. Những vấn đề như điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư với dự án quan trọng quốc gia hay tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C, theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần phải xem xét có đang gặp vướng mắc hay không để sửa, nếu không thì nên tập trung vào những vấn đề khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình giữ như quy định hiện hành vì thực tế cho thấy tiêu chí quy định tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia hiện nay không gặp vướng mắc. 10.000 tỷ, 20.000 tỷ hay 15.000 tỷ đồng không phải vấn đề của Luật đầu tư công cần sửa đổi, thay vào đó nên tập trung vào những điểm còn vướng mắc như khái niệm đầu tư công có xung đột với các luật khác hay không hay việc quyết định thời gian trình và phê duyệt dự án đầu tư công trung hạn.
Với vấn đề phân loại dự án nhóm A, B, C, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc thay đổi so với luật hiện hành sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, sự chồng chéo trong những quy định về chuyển nhóm, trong khi thực tiễn cho thấy quy định hiện hành không gặp vưỡng mắc.
Kết luận lại vấn đề này Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo ý kiến thảo luận đa số và phân tích, Thường vụ Quốc hội thống nhất chọn phương án không thay đổi tiêu chí tổng mức đầu tư dự án trọng điểm quốc gia và phân loại dự án nhóm A, B, C, áp dụng như luật hiện hành. Thường vụ cũng nhất chí chỉ trình một phương án không thay đổi ra kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Minh Sơn
'Bảo vật quốc gia' Việt Nam hỏng 30% do vệ sinh bằng nước rửa chén Thợ sửa đã không hiểu về sơn mài nên can thiệp quá mức vào bức họa "Vườn xuân Trung Nam Bắc". |