Dòng chữ "Mở lon Việt Nam" của Coca Cola được cho là có dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Coca Cola vừa bị Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) "tuýt còi" vì nội dung quảng cáo sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".
Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo, theo Cục Văn hóa cơ sở, có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Giải thích cụ thể hơn về việc Coca Cola bị tuýt còi do quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không hợp thuần phong mỹ tục, ngày 29/6, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... thì từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ việc gắn chữ “lon” như cách của Coca Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo.
Cũng theo bà Hương, Cục Văn hóa cơ sở với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, phải có trách nhiệm phòng ngừa những cái chưa đẹp trong xã hội. Người đứng đầu Cục Văn hoá cơ sở mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng với nỗ lực xây dựng văn hóa, thẩm mỹ xã hội.
Trong khi đó, trao đổi với báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: Xưa nay, không có ai nghĩ từ này là tục cả, có thể từ này có nguồn gốc từ nước ngoài, dân gian dùng bình thường. Vì thế, đừng vội vàng kết luận là tục hay vi phạm thuần phong gì cả.
PGS.TS Phạm Văn Tình cũng cho biết thêm, trong tiếng Việt, từ "lon" mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con Lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt).
Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành). Cũng với cách gọi thông dụng, từ "lon" còn có nghĩa phù hiệu, quân hàm- của quân đội một số nước (ví dụ: đeo lon đại uý, gắn lon).
Nhà văn Đỗ Phấn cũng khẳng định, việc dùng từ "lon" trong tiếng Việt là hết sức bình thường, nó không hề tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế, người làm văn hoá đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên".
Từ "lon" được sử dụng nhiều từ Quảng Bình trở vào, phía Bắc thì hay dùng là "ống bơ". Đặc biệt, trước đây còn có lon sành, dùng để giã cua. Người bán hàng đưa ra lời quảng cáo, đương nhiên họ phải sử dụng ngôn ngữ thông dụng nhất. Thế cho nên, đừng vội kết luận khi chưa đọc kỹ từ điển tiếng Việt.
Trong một diễn biến có liên quan, Sở VH-TT Hà Nội đã tháo dỡ một quảng cáo tấm lớn của Coca Cola ở ngã tư Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa và xử phạt hành chính Coca-Cola với lỗi làm mất mỹ quan thành phố và quảng cáo không xin phép với mức phạt cao nhất cho hành vi này là khoảng 25 triệu đồng.
Minh Thái (Tổng hợp)
Nước ngọt thay nước lọc và những quảng cáo gây tranh cãi của Coca-Cola Trước khi bị Cục Văn hóa Cơ sở yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”, Coca-Cola từng có những quảng cáo gây ... |
Coca Cola bị điều tra thuế lợi nhuận từ nước ngoài "Đại gia" nước giải khát số 1 thế giới Coca Cola bị xét xử về thuế từ lợi nhuận ở nước ngoài. |