Theo luật sư, có thể mời cơ quan giám định văn hóa vào cuộc để xác định quảng cáo "Mở lon Việt Nam" của Coca Cola có thiếu thẩm mỹ không.
Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa "tuýt còi" quảng cáo "Mở lon Việt Nam" của Coca Cola vì cho rằng việc sử dụng cụm từ này có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3 Điều 8 và Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Theo LS Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu), việc Cục Văn hóa cơ sở tuýt còi quảng cáo "Mở lon Việt Nam" của Coca Cola là có căn cứ. Bởi những thứ gắn với tên gọi của quốc gia, dân tộc thì phải rõ ràng về ngữ nghĩa, với ý nghĩa tốt đẹp nhất, chẳng hạn: Duyên dáng Việt Nam, Bay lên Việt Nam...
"Những từ đứng cạnh tên gọi quốc gia phải hết sức thận trọng, không nên và không được gây hiểu lầm sang nghĩa khác", LS Trương Xuân Tám lưu ý.
Trong trường hợp có tranh chấp, bên bị "tuýt còi" bị xử phạt hành chính hoặc kiện ra tòa mà không đồng ý thì cần phải có cơ quan giám định về văn hóa vào cuộc.
"Cơ quan giám định về văn hóa sẽ tiến hành giám định về ngôn ngữ, văn hóa trong quảng cáo ấy, từ đó kết luận cụm từ sử dụng trong quảng cáo có thiếu thẩm mỹ hay không phù hợp thuần phong mỹ tục hay không", LS Trương Xuân Tám cho biết.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, cụm từ "Mở lon Việt Nam" hoàn toàn không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định đã được nêu rõ trong Luật Quảng cáo.
“Cụm từ Mở lon Việt Nam gắn với nhau thể hiện trên bảng quảng cáo lớn ngoài trời thì về văn hóa và luật pháp chúng tôi thấy không ổn ở điểm là nếu về luật pháp thì để cụm từ như vậy không rõ ràng về sản phẩm. Mở lon Coca tại Việt Nam, hoặc chương trình mở lon Coca trong chiến dịch tại Việt Nam thì mới rõ.
Nguyên tắc là anh phải nói rõ sản phẩm quảng cáo là gì về thông điệp quảng cáo, thì Coca - Cola lại ghi mỗi cụm từ như vậy là vi phạm Luật Quảng cáo. Coca Cola không nêu rõ sản phẩm quảng cáo một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận được thông điệp cụ thể về sản phẩm của nhãn hàng”, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Bà Ninh Thị Thu Hương cũng cho rằng, cụm từ lon Việt Nam trong cụm từ “mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nếu quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó thì sẽ rất khủng khiếp.
Theo yêu cầu của Cục Văn hóa cơ sở, thông tin với báo chí, Coca Cola Việt Nam cho biết đã sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho các chương trình khuyến mãi sản phẩm của hãng trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Hãng nói nội dung quảng cáo trên các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quá trình này dự kiến hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.
Đại diện hãng cũng lý giải thông điệp ban đầu được thiết kế nhằm hướng dẫn cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp sản phẩm Coca Cola và đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ.
“Ngôn ngữ Việt Nam rất đa dạng và nếu có sự nhạy cảm trong cách dùng từ, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi”, tờ Zing dẫn lời đại diện Coca Cola Việt Nam chia sẻ. Hãng này thông tin sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải thích rõ hơn về vụ việc vào đầu tuần tới.
Minh Thái
Chuyên gia ngôn ngữ: Quảng cáo 'Mở lon Việt Nam' tục hay không? Theo PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, xưa nay không có ai nghĩ từ "lon" là tục nên ... |
'Mở lon Việt Nam' là phản cảm: Có quá suy diễn? Giới trẻ cũng có những góc nhìn khác nhau xung quanh việc slogan quảng cáo 'Mở lon Việt Nam' bị phạt vì phản cảm. Nhiều ... |