Iraq đang ở giữa vòng xoáy của cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất và kéo dài nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite - Moqtada al-Sadr với nhóm ủng hộ ông Mohammed Shia al-Sudan. Bất ổn tại Iraq khiến dư luận thế giới lo ngại, quốc gia này một lần nữa trở thành mảnh đất để các nhóm khủng bố trỗi dậy.

Người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Iraq.

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, tòa nhà Quốc hội Iraq đã 2 lần bị người ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr xâm nhập và tiến hành biểu tình ngồi để phản đối việc đề cử ông Mohammed Shia al-Sudan vào vị trí Thủ tướng quốc gia vùng Vịnh này. Lực lượng an ninh Iraq đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Đây là diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối tháng 10-2021, khi không chính đảng nào giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ. Theo đó, phong trào Sadrist của ông Moqtada al-Sadr giành được 73/329 ghế của Quốc hội Iraq, theo sau là liên minh Taqaddum với 38 ghế. Liên minh Nhà nước Pháp luật đứng thứ ba khi giành được 37 ghế...

Theo cơ cấu quyền lực ở Iraq, Tổng thống sẽ do người Kurd đảm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Shi'ite. Tổng thống làm nhiệm vụ chỉ định đảng phái đứng ra thành lập liên minh cầm quyền trong vòng 30 ngày sau khi có kết quả bầu cử. Với lợi thế đứng đầu về số phiếu, phong trào Sadrist được ưu tiên đứng ra đàm phán thành lập chính phủ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ông Moqtada al-Sadr cũng như các đảng suốt 10 tháng qua đều thất bại. Nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị này, liên minh các đảng thân Iran ở Iraq đã công bố đề cử ông Mohammed al-Sudani, cựu Bộ trưởng Lao động và Xã hội Iraq làm tân Thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi. Song, những người ủng hộ ông al-Sadr cho rằng ứng cử viên al-Sudani không đủ tư cách lãnh đạo đất nước.

Lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị sẽ thổi bùng xung đột giữa các phe phái trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội của Iraq đang có những dấu hiệu bất ổn do giá năng lượng và lương thực tăng vọt, nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi các bên kiềm chế để ngăn chặn tình trạng bạo lực nổ ra, đồng thời hối thúc các lực lượng chính trị ở Iraq tiến hành đối thoại.

Bên cạnh bất ổn về chính trị và kinh tế, các báo cáo an ninh cho thấy, gần đây, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã liên tiếp thực hiện các vụ tấn công tại Iraq khiến nhiều người thương vong. Mới nhất, là vụ tấn công tại tỉnh Salahudin và tỉnh Diyala vào cuối tháng 7. Mặc dù liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố đánh bại IS tại Iraq vào năm 2017, tuy nhiên, những phần tử còn sót lại của lực lượng khủng bố này đã ẩn náu tại nhiều nơi, sau đó tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhỏ lẻ nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh.

Trong những tháng qua, các lực lượng an ninh Iraq đã tiến hành nhiều chiến dịch nhằm trấn áp và ngăn chặn hoạt động của các phần tử tàn dư IS. Tuy nhiên, chia rẽ nội bộ và xung đột giữa các phe phái của Iraq khiến các hoạt động của chính phủ đình trệ, có thể trở thành thời cơ để nhiều nhóm khủng bố trỗi dậy. Nếu “hồi sinh” tại Iraq, IS hoàn toàn có thể nối lại mạng lưới trên toàn khu vực Trung Đông và gây ra những hậu quả khó lường.

Các nhà phân tích cho rằng, để giải quyết bế tắc hiện nay, Iraq cần sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong vai trò trung gian để đứng ra tổ chức các cuộc hòa giải và đàm phán phân chia quyền lực giữa các đảng phái. Chỉ khi chia rẽ nội bộ được giải quyết, các bên tìm kiếm được tiếng nói chung, cuộc khủng hoảng chính trị mới có khả năng được hóa giải.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1038568/tranh-gianh-quyen-luc-giua-cac-dang-phai-chinh-tri-iraq-roi-vao-vong-xoay-khung-hoang

QUỲNH DƯƠNG / HNM.com.vn