Luật sư của chính phủ Canada nói bà Mạnh phải đối mặt với nhiều cáo buộc, có thể chịu mức án 30 năm tù và không nên được tại ngoại.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Nikkei.
Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch Huawei, hôm 7/12 xuất hiện tại phiên điều trần ở Tòa án tối cao British Columbia, Vancouver, trong bộ quần áo thể thao màu xanh lá và liên tục mỉm cười, theo SCMP. Mạnh bị nhà chức trách Canada bắt hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ.
Hơn 100 nhà báo và các đại diện Huawei lấp kín phòng xử được bố trí an ninh nghiêm ngặt, bao quanh là kính chống đạn. Căn phòng này được xây dựng để xét xử các nghi phạm trong vụ đánh bom chuyến bay của Ấn Độ từ Toronto đến Delhi năm 1985.
Một số đại diện của Huawei, dường như gồm các giám đốc điều hành và luật sư, ngồi 20 chỗ trong phòng. Scott Bradley, phó chủ tịch cấp cao của Huawei, từ chối bình luận về sự việc. Một người đàn ông đeo ghim hình quốc kỳ Trung Quốc ngồi trong nhóm đại diện Huawei cũng từ chối nêu ý kiến.
Luật sư của chính phủ Canada John Gibb-Carsley nói với tòa án rằng Mỹ đang nghi ngờ bà Mạnh âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính để né lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Iran. Từ năm 2009 đến 2014, Huawei bị cáo buộc sử dụng công ty con Skycom để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Iran. "Đây là mấu chốt của sự gian lận", Gibb-Carsley nói. Năm 2013, bà Mạnh khẳng định với các ngân hàng rằng Skycom và Huawei đã "tách riêng" khi các ngân hàng biết Skycom đang kinh doanh tại Iran, luật sư nói.
Lệnh bắt bà Mạnh được một thẩm phán New York đưa ra hôm 2/8 nhằm buộc bà này ra tòa vì tội lừa đảo. Mỹ biết trước Mạnh Vãn Chu sẽ quá cảnh ở Canada trên đường từ Hong Kong đến Mexico. Ngày 30/11, một thẩm phán Canada đồng ý với yêu cầu của Mỹ và ngày 1/12, bà bị bắt ở sân bay Vancouver khi đang đổi chuyến, Gibb-Carsley cho hay.
Một số người nghi ngờ liệu việc bà Mạnh vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và EU có phải là phạm pháp ở Canada hay không, một yếu tố cần thiết để dẫn độ. Theo Gibb-Carsley, những nỗ lực nhằm đánh lừa các tổ chức tài chính về bản chất mối quan hệ của Huawei với Skycom chính là tội gian lận theo luật pháp Canada. "Mạnh đã lừa dối các tổ chức tài chính, khiến cho lợi ích tài chính và tiền của họ gặp rủi ro", ông nói.
Phóng viên tập trung bên ngoài Tòa án tối cao British Columbia hôm 7/12. Ảnh: Reuters.
Gibb-Carsley khẳng định Mạnh đã tham gia "mô hình bất lương rộng rãi" và phải đối mặt với nhiều cáo buộc, có thể chịu bản án tối đa tới 30 năm tù và không nên được tại ngoại. "Bà ta có động cơ để bỏ trốn nếu được tại ngoại", luật sư của chính phủ Canada nói.
Luật sư này cũng khiến những người tham dự phiên điều trần bật cười khi so sánh số tiền bảo lãnh được yêu cầu 752.000 USD với số tài sản hàng tỷ USD mà cha bà, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đang sở hữu, nói rằng "chúng ta không ở cùng vũ trụ".
Theo Gibb-Carsely, Mạnh đã tránh tới Mỹ trong năm qua dù bà có một cậu con trai 16 tuổi đang đi học ở Boston. Từ năm 2014 đến 2017, Mạnh thường xuyên đến Mỹ. Từ tháng 4, khi các giám đốc điều hành của chi nhánh Huawei tại Mỹ bắt đầu bị điều tra, bà dừng các chuyến đi.
Sau 15 phút giải lao, David J. Martin, luật sư riêng của Mạnh Vãn Chu, nói với thẩm phán rằng Mạnh nên được tại ngoại vì "nhân phẩm của bà đáng được tin tưởng". "Nếu bà Mạnh vi phạm lệnh của tòa án sau khi được tại ngoại, bà ấy sẽ làm xấu hổ cha mình, làm xấu hổ Trung Quốc", luật sư lập luận.
Theo Martin, ngoài số tiền bảo lãnh như yêu cầu, bà Mạnh còn có thể đảm bảo bằng hai ngôi nhà trị giá khoảng 10,5 triệu USD ở Vancouver. Luật sư này cũng cho rằng yêu cầu dẫn độ của Mỹ không đầy đủ vì bà Mạnh chưa bị buộc tội và Mỹ cũng chưa cung cấp bản cáo trạng.
Martin cho biết có nhiều thiếu sót trong những mốc thời gian Mỹ đưa ra về cáo buộc Mạnh lừa gạt các tổ chức tài chính, nhấn mạnh rằng bà "cởi mở" thừa nhận Huawei từng sở hữu Skycom và bà từng nằm trong ban điều hành Skycom nhưng công ty này đã được bán năm 2009. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng Huawei vẫn nắm quyền kiểm soát Skycom.
Đề cập đến ngân hàng bị Mạnh lừa dối nhằm sử dụng Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, Martin ban đầu nói rằng đó là "Ngân hàng Hong Kong" - ngân hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, luật sư sau đó đính chính đó là HSBC, ngân hàng lớn thứ bảy trên thế giới tính theo tổng tài sản và thứ sáu theo vốn hóa thị trường.
Ảnh phác họa Mạnh Vãn Chu (áo xanh lá) tại phiên điều trần ở Vancouver. Ảnh: Reuters.
Martin nói với tòa bằng chứng do Mỹ đưa ra về việc Huawei bí mật điều hành Skycom không bao gồm yếu tố quan trọng là thời gian. Luật sư cũng chế giễu việc văn phòng phẩm của nhân viên Skycom và địa chỉ email Huawei mà các giám đốc Skycom từng sử dụng được xem là bằng chứng Huawei kiểm soát công ty này.
Luật sư khẳng định Mạnh nói với các giám đốc ngân hàng rằng Huawei đã làm mọi cách để tuân thủ trong các giao dịch với Iran và không có sản phẩm nào cung cấp cho Iran khác với các khách hàng khác trên thế giới.
Martin lưu ý ngân hàng HSBC cũng nên bị buộc tội, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng bà Mạnh cố tình không đến Mỹ để không bị bắt. "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến Huawei bị ảnh hưởng và bà ấy không có lý do để tới đó", luật sư nói.
Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, gia nhập tập đoàn Huawei vào năm 1993 và giữ nhiều vị trí tại các bộ phận trước khi trở thành giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị. Bà được một số hãng truyền thông Trung Quốc đánh giá là người tiếp quản tập đoàn của cha. Bà Mạnh sẽ bị giam tới ngày 10/12, thời điểm phiên điều trần xem xét quyền bảo lãnh tại ngoại cho bà được nối lại.
Nga nói Mỹ hành xử \'ngạo mạn\' trong vụ bắt giám đốc Huawei Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada cho thấy Mỹ đã hành động vượt thẩm quyền tại nước ... |
Thế khó của Mỹ trong vụ bắt giám đốc Huawei Việc mạnh tay với Mạnh Vãn Chu sẽ làm tăng căng thẳng với Trung Quốc, nhưng nếu chỉ phạt rồi thả người sẽ khiến Mỹ ... |