Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược thống nhất rằng nên duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên, song cần xem xét lại mức điểm cộng cho hợp lý.
Nhiều ý kiến khác nhau về chính sách cộng điểm ưu tiên đã được nêu ra để thảo luận tại hội nghị hiệu trưởng các trường y dược phiên họp sáng ngày 27/8.
Nên giảm bớt điểm ưu tiên khu vực
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nêu vấn đề: Trong kỳ tuyển sinh đại học 2017, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển được 500 em ngành y đa khoa. Trong đó, ngoài 27 em được tuyển thẳng thì chỉ có 21 thí sinh không được cộng điểm ưu tiên, số còn lại đều có điểm ưu tiên.
"Nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành này của trường có mức điểm cộng gồm ưu tiên đối tượng, khu vực và điểm khuyến khích lên tới 5 điểm" - ông Hinh cho hay.
Hội nghị hiệu trưởng các trường y dược phiên họp sáng ngày 27/8
Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho biết trong nhiều năm qua tỉ lệ thí sinh đỗ vào trường là người TP.HCM chỉ khoảng 10%, 90% còn lại đều là người tỉnh khác, trúng tuyển với điểm ưu tiên, thậm chí có năm là 92%.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên, cho rằng chế độ cộng điểm ưu tiên là cần thiết phải duy trì bởi vì có như vậy mới có những bác sĩ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hiện nay, bác sĩ ở thành phố thì thừa nhưng ở các tỉnh thì thiếu, nhiều bệnh viện tỉnh không tuyển được bác sĩ.
"Vấn đề là nhiều người được cộng điểm ưu tiên để về tỉnh làm việc, nhưng sau khi ra trường thì việc phân bổ công việc lại không kiểm soát được. Học sinh cử tuyển thì về công tác tại thủ đô. Đó là do chúng ta làm không đúng".
Đồng thuận với ông Sơn, ông Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình, thì đề xuất những thí sinh sử dụng điểm ưu tiên khu vực để xét tuyển thì phải cam kết sau khi ra trường về công tác tại vùng đó. Các thí sinh nếu không muốn bị ràng buộc thì có thể lựa chọn không sử dụng điểm cộng ưu tiên để bình đẳng với các thí sinh khác.
Trong khi đó, ông Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, thì lại cho rằng theo chủ trương của Nhà nước thì nhưng vùng được cộng điểm ưu tiên là nơi có điều kiện khó khăn về cuộc sống và học tập. Do đó, việc cộng điểm không phải là một "ân huệ" mà để hỗ trợ vì điều kiện sống và học tập khó khăn hơn. Vì vậy, việc yêu cầu họ ra trường phải quay trở về địa phương làm việc là "vi phạm nhân quyền"
Ông Nguyễn Cảnh Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh, nêu đề xuất: Thứ nhất, nếu một em nào đó có nhiều điểm ưu tiên thì chỉ được chọn ưu tiên cao nhất. Thứ hai, do điều kiện kinh tế xã hội hiện nay đã thay đổi, khoảng cách vùng miền rút ngắn lại, do đó, thay vì cộng điểm ưu tiên khu vực chênh lệch 0,5 điểm thì có thể chỉ cộng chênh lệch là 0,3 điểm.
Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng nêu quan điểm, chỉ nên cộng một loại điểm ưu tiên cao nhất khi xét tuyển để giảm bớt mức điểm cộng ưu tiên chứ không nên cộng dồn vì mức điểm ưu tiên tối đa 3,5 điểm như hiện nay là quá cao.
Tuy nhiên, ông Đỗ Quyết thì không đồng tình với đề xuất này. "Một thí sinh ở vùng sâu vùng xa đồng thời là con thương binh thì là 2 việc khác nhau và họ cần phải được cộng cả 2 loại điểm ưu tiên này".
"Chúng ta bắt buộc phải cộng điểm vùng miền. Tuy nhiên tôi cho rằng, không nên cộng tối đa là 3,5 điểm mà tối đa chỉ 2 điểm thôi. Còn lựa chọn tỉ lệ thế nào thì có thể tính sau. Không nên cộng quá nhiều sẽ tạo ra sự khác biệt lớn vì chúng ta đang xét điểm đến mức 0,25 điểm thôi" - ông Quyết nói.
Ông Trần Diệp Tuấn thì phân tích, việc điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên khu vực thực chất sẽ có lợi cho các trường và có lợi chung vì các trường sẽ giữ được những học sinh giỏi nhất của tỉnh mình.
Đề xuất tuyển sinh chung, điểm sàn riêng cho nhóm y dược
Tại hội nghị, TS Vũ Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định nêu đề xuất về phương án tuyển sinh chung cho nhóm các trường đào tạo y dược.
Sau khi phân tích thuận lợi và khó khăn của kỳ tuyển sinh 2017 vừa qua, ông Thành cho rằng cần thiết phải có phương án tuyển sinh chung cho các trường y dược, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển.
Sẽ có điểm sàn riêng cho nhóm ngành y dược? |
"Trong quá trình xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ chia sẻ thông tin tuyển sinh để giảm tỉ lệ thí sinh ảo. Như vậy, các trường sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích điều này" - ông Thành cho hay.Sẽ có điểm sàn riêng cho nhóm ngành y dược?
Từ đó ông Thành đề xuất ngoài phần mềm xét tuyển chung, nhóm cần có 1 trường giữ vai trò chủ đạo, đồng thời các trường trong nhóm hạn chế sử dụng phương thức xét tuyển khác như học bạ để các trường có thể kiểm soát được thí sinh ảo.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương cho rằng, không nhất thiết phải có phần mềm xét tuyển riêng cho nhóm các trường y dược, vì như vậy sẽ sinh ra phức tạp và tốn kém.
Nhận định về kỳ tuyển sinh vừa qua đối với các trường y dược, hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, "có những cái được song cũng có những cái cũng chưa được".
Theo ông Hoàng Năng Trọng, việc quy chế tuyển sinh 2017 cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng khiến cho việc định hướng nghề nghiệp ở phổ thông không còn ý nghĩa. Thí sinh cứ thi và không đỗ trường và ngành các em yêu thích thì sẽ đỗ vào một ngành, trường nào đó.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Diệp Tuấn cho rằng, trước đây, thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học trước khi có điểm thi nên có ít rào cản hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Như hiện nay, thí sinh thi xong, có điểm rồi mới bắt đầu lựa chọn ngành nghề thì ít nhiều sẽ bị tác động, ảnh hưởng tới lựa chọn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nêu ra hình thức phỏng vấn trong xét tuyển đối với các trường y để tìm ra đối tượng thí sinh phù hợp với ngành nghề thay vì chỉ căn cứ vào điểm thi như lâu nay.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch kiến nghị cần phải xác lập mức điểm sàn riêng cho các trường đào tạo y dược. "Hiện nay ngoài những trường uy tín, lấy điểm cao vẫn có những trường đào tạo y dược có khi lấy điểm dưới 20 điểm. Nếu không có chính sách điểm sàn riêng cho ngành sức khỏe thì những thí sinh đào tạo ở các cơ sở này sau khi ra trường vẫn có bằng bác sĩ như nhau".
Bên cạnh đó, theo ông Xuân, những cơ sở đào tạo vì lợi nhuận nhận vào những thí sinh điểm đầu vào thấp cũng là những nơi không được đầu tư cơ sở vật chất, con người, đặc biệt là không có cơ sở để thực hành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hinh cho biết đề xuất điểm sàn riêng cho các trường đào tạo y dược đã từng được nêu ra trước đây nhưng "không khả thi". Hiện nay, hội đồng hiệu trưởng các trường y dược mới chỉ bao gồm 17 trường đào tạo y dược công lập, trong khi đó, còn một số lượng lớn các trường ngoài công lập đào tạo nhóm ngành này.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị để bàn về việc cộng điểm ưu tiên Trao đổi tại hội nghị, đại diện Bộ GDĐT cho biết chính sách ưu tiên đã có từ lâu nhưng đến năm nay mới trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm, bàn thảo. Tuy nhiên, vị này cho biết, việc tỉ lệ thí sinh không cộng điểm ưu tiên vào các trường như Trường ĐH Y Hà Nội hay Trường ĐH Y Dược TP.HCM là đúng vì chỉ có thí sinh ở các quận nội thành ở thành phố trực thuộc trung ương mới không được cộng điểm, còn lại đều được cộng ưu tiên khu vực. Bên cạnh đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị để bàn kỹ hơn về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. |
(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tranh-luan-ve-cong-diem-uu-tien-vao-cac-truong-y-duoc-395424.html)
Bao lâu để có một bác sĩ? Thời gian đào tạo đại học y khoa 5 năm hay 6 năm là vấn đề lại vừa được đặt ra tại Hội nghị Hội ... |
Giật mình ngành Y dược hệ đại học chính quy tuyển cả khối C Khó có thể tin ngành Y dược hệ đại học chính quy lại tuyển sinh hầu hết chỉ tiêu bằng xét học bạ THPT, có ... |
Bị trường trả hồ sơ nhập học vì xã phê bình trong sơ yếu lý lịch Do sơ yếu lý lịch bị UBND xã Yên Thịnh (huyện Yên Định, Thanh Hóa) phê bìnhvì gia đình chưa nộp một số khoản thu, nên ... |