Đa số chuyên gia cho rằng Dinh Thượng thơ mang hồn cốt của Sài Gòn, song cũng có ý kiến đánh giá tòa nhà cổ "không có gì đặc biệt".
Dinh Thượng thơ đang là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Ngày 28/9, tại hội thảo Đánh giá giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc tòa nhà cổ 59-61 Lý Tự Trọng (quận 1, Dinh Thượng thơ cũ) do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức, chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến đưa ra nhiều căn cứ sử liệu, đề nghị thành phố giữ nguyên hiện trạng, không phá bỏ tòa nhà đồng thời khảo sát toàn bộ kiến trúc, tầng hầm và lập phương án trùng tu.
Theo ông Tiến, ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn chính là khu vực pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của Thành Gia Định xưa. Ngay từ những năm 1860, người Pháp đã quy hoạch xây dựng Dinh Thượng Thơ và sau đó là Dinh Xã Tây (trụ sở UBND thành phố hiện tại).
"Nền của hai công trình kiến trúc quan trọng này ẩn chứa di tích không chỉ của Thành Gia Định mà còn của làng Tân Khai - chiếc nôi của người Việt trên đất Sài Gòn", ông Tiến nói.
Tương tự, TS Nguyễn Thị Hậu (Tổng thư ký Hội Sử học TP HCM) nói rằng, kiến trúc của tòa nhà được đánh giá là cá biệt trong vùng Đông Nam Á. Dinh Thượng Thơ có lịch sử lâu dài hơn Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Bưu điện, TAND TP HCM...
"Lịch sử Sài Gòn và Hà Nội có thể không so sánh được về thời gian. Nhưng giá trị văn hóa lịch sử không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian, mà chủ yếu vào quá trình xây dựng và đặc trưng văn hóa của các đô thị này", bà Hậu nói.
Theo TS Hậu, sự mất mát về di tích vật chất là tòa nhà, con đường hay bùng binh, cây xanh... tại Sài Gòn như thời gian qua, không đáng sợ bằng sự mất mát ký ức. Mất đi một phần lịch sử cũng là mất đi tình cảm của cộng đồng và du khách đối với thành phố.
Từ đó, Tổng thư ký Hội Sử học TP HCM đề nghị chính quyền thành phố kịp thời điều chỉnh hoặc thay đổi phương án cải tạo trụ sở UBND - HĐND thành phố, tránh làm tổn hại di sản Dinh Thượng thơ. "Việc này thể hiện chính quyền thành phố văn minh trong ứng xử với di sản lịch sử, hiện đại theo xu hướng bảo vệ di sản văn hóa của thế giới và nghĩa tình với quá khứ của mảnh đất mình đang sinh sống", bà nói.
Nhà sử học Trần Hữu Phúc Tiến tại hội thảo. |
Dinh Thượng thơ \'không tồn tại trong ký ức người dân\'
Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Tấn Vạn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, các kiến trúc sư tổ chức lấy chữ ký gần 6.000 người để tạo áp lực cho thành phố giữ lại tòa nhà này là không nên. Việc này có thể dẫn đến kết quả không khách quan trong việc công nhận di sản.
Theo ông Vạn, một công trình nằm ngay quận 1, sau lưng UBND thành phố mà "bị bỏ quên không xếp hạng và không được tôn trọng" là điều đáng suy nghĩ. Công trình này có thể chưa đủ sức hấp dẫn, chưa gây ấn tượng cho cộng đồng - nghĩa là giá trị nơi chốn đô thị chưa đạt. Thực tế, người dân thành phố, các nhà khoa học, kiến trúc sư rất ít người biết đến Dinh Thượng thơ và trong ký ức của họ không tồn tại hình ảnh của một công trình di sản.
Về giá trị lịch sử, theo ông Vạn, trong các giai đoạn của dân tộc không có sách nào ghi việc xây công trình 59-61 Lý Tự Trọng như một sự kiện. Chính vì vậy, công trình này không đi cùng năm tháng trong ký ức, lịch sử của Việt Nam và cả nước Pháp.
"Nhìn bên ngoài, Dinh Thượng Thơ không phải là công trình kiến trúc tiêu biểu cho một dòng kiến trúc đặc sắc của nước Pháp trong thời gian đó. Phải thực sự nhìn nhận, nếu TP HCM cần mở rộng trụ sở thì việc giữ lại công trình cổ này sẽ cản trở cho dự án xây dựng một tổ hợp đủ tầm, đủ tỷ lệ phù hợp với khu đất và yêu cầu sử dụng", ông Vạn khẳng định.
Dinh Thượng thơ hồi đầu thế kỷ XX. |
Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn xin ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của chuyên gia, sẽ tổng hợp để báo cáo UBND thành phố.
Buổi hội thảo được tổ chức sau khi nhiều người dân và chuyên gia phản đối kế hoạch phá bỏ công trình cổ này để cải tạo trụ sở UBND - HĐND thành phố. Một số chuyên gia đã tập hợp được gần 6.000 chữ ký và gửi kiến nghị lên UBND TP HCM đề nghị giữ lại công trình này.
Đại sứ Bruno Angelets, Trưởng phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng có công hàm gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà cổ.
Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng do người Pháp xây từ những năm đầu thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ - điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân đương thời gọi là Dinh Thượng thơ. Qua nhiều thời kỳ, tòa nhà được cải tạo, mở rộng để phục vụ cho việc cai trị của người Pháp như Bộ Nội vụ, trụ sở Bộ Kinh tế. Sau khi thống nhất đất nước, công trình trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện là nơi làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông. Dinh Thượng thơ được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà. Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình đã gần 160 tuổi |
Hữu Nguyên
Nguy cơ Dinh Thượng Thơ bị đập bỏ: "Phải bảo tồn bằng mọi giá" "Trong các giải pháp kiến trúc thì việc vừa bảo tồn vừa nâng cấp tòa nhà Dinh Thượng Thơ là hợp lý nhất", một cán ... |
"Dinh Thượng thơ" gần 160 tuổi ở Sài Gòn sẽ không được bảo tồn Chính quyền TP HCM cho biết căn biệt thự cổ - trước đây được gọi là "Dinh Thượng thơ" - không nằm trong danh sách ... |